Thêm một lần nữa, cộng đồng Cơ-đốc lại được kêu gọi bày tỏ ý kiến liên quan vấn đề công nhận hôn nhân đồng tính. Vấn đề được đặt ra tại Mỹ và Âu Châu, là các quốc gia chịu ảnh hưởng Cơ-đốc giáo. Tổng thống Obama, người ra quyết định công nhận hôn nhân đồng tính là một Cơ-đốc nhân tin kính. Điều đó cho thấy Cơ-đốc nhân gặp rất nhiều khó khăn để làm sáng tỏ vấn đề này. Với tính chất phức tạp của vấn đề, chúng ta không nên vội vàng ủng hộ hay phản đối, mà cần tìm hiểu thấu đáo và trao đổi với nhau cho cẩn thận. Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây và góp ý cho nhau trong tinh thần trách nhiệm của những người con được Cha đặt để mình giữa thế gian này.
Đồng Tính
Đồng tính hay giới tính thứ ba là đề tài ‘hot’ trong dư luận xã hội hiện nay. Người ta tranh cãi với nhau từ quan điểm, thái độ đến luật pháp quốc gia đối với người đồng tính. Là những Cơ-đốc nhân, chúng ta cần biết Kinh Thánh dạy gì về vấn đề này để có thể đưa ra quan điểm và thái độ thích hợp. Nhưng trước hết chúng ta cần tìm hiểu đồng tính là gì.
Đồng tính là gì?
Đồng tính là khuynh hướng yêu đương hay quan hệ tính dục giữa những người cùng giới tính, nam với nam (Gay), nữ với nữ(Lesbian; Les). Người đồng tính cảm thấy bị hấp dẫn về tình cảm và thể xác với người cùng giới tính. Cách hiểu này phân biệt người đồng tính với người song tính (Bisexsual), người xuyên giới tính (Tran – sexsual; transgender). Các nhà tâm lý còn phân biệt đồng tính thật với đồng tính giả nữa. Một số người dùng cụm từ “giới tính thứ ba” để chỉ chung những người quan hệ tình cảm, tình dục không theo cách quan hệ thông thường giữa hai giới tính nam và nữ. Tiếng Anh có từ LGBT là viết tắt của Lesbian - đồng tính nữ; Gay – đồng tính nam; Bisexsual – song tính và Transgender – Xuyên giới tính.
Pê-đê thì có phải là đồng tính không?
Người ta hay dùng chữ Pê-đê để chỉ người đồng tính nam. Nhưng các bác sĩ thì gọi pê-đê là bệnh ái-nam-ái-nữ. Pê-đê là xuyên giới tính chứ không phải là đồng tính. Người đồng tính là gay hay là les thì đều xác định rõ giới tính của mình. Họ hoàn toàn bình thường về mặt thể xác và các tính năng. Một gay cũng rất là nam nhi trượng phu, thậm chí còn ngầu hơn những người đàn ông khác. Họ vẫn có thể lấy vợ sinh con. Còn pê-đê hay là xuyên giới tính thì ở giữa hai giới, không hẳn nam mà cũng không là nữ.
Thế nào là đồng tính giả?
Những người đồng tính giả không có khuynh hướng quan hệ đồng giới. Hay nói cách khác là họ không bị những người cùng giới tính hấp dẫn họ về mặt tình cảm hay tình dục. Nhưng họ chấp nhận quan hệ với người cùng giới tính do một nguyên do khác. Thông thường nhất là vì quyền lợi mà họ nhận được từ mối liên hệ đồng tính như là có tiền xài, được bao bọc hoặc là vì bị đe dọa. Có người vì nổi loạn muốn công phá vào các định chế xã hội. Có người muốn chơi trội, làm khác người để có cảm giác mình là người đặc biệt. Hiện nay có nhiều thông tin về những người nổi tiếng là gay, là les, cộng với sự quan tâm quá mức nhưng lại thiếu những thông tin rõ ràng đã làm nhiều người trẻ xem đồng tính như một trào lưu, một cái mốt, cũng tương tự như là xâm mình, chơi ma-túy.v.v… Không ít bạn trẻ tham gia giới đồng tính như một mốt thời thượng dù họ chằng hiểu gì nhiều về đồng tính. Thậm chí có cả những người đồng tính chỉ vì tò mò, thử cho biết.
Có phải người đồng tính giả sẽ trở thành người song tính?
Đồng tính giả không phải là song tính.
Về mặt tình dục, hiện nay có ba dạng thức
Dị tính: Chỉ quan hệ với những người khác phái tính.
Đồng tính: Chỉ quan hệ với những người cùng phái tính.
Song tính: Quan hệ với cả hai giới.
Người song tính là người cảm thấy bị hấp dẫn về tình cảm và thể xác với cả nam lẫn nữ. Khi có quan niệm tự do tính dục, họ tìm sự thỏa mãn tình dục từ cả hai giới. Nhiều trường hợp họ có người yêu từ cả hai giới cùng một lúc.
Người đồng tính giả có khuynh hướng tình cảm tình dục dị tính. Họ không bị hấp dẫn bởi người khác giới tính. Họ quan hệ đồng tính vì một nguyên do khác – như đã nêu ở trên, chứ không phải vì nhu cầu tình cảm tình dục của mình.
Vậy làm sao để nhận ra một người đồng tính?
Đặc điểm căn bản phân biệt đồng tính với các hình thái quan hệ giới tính khác, nhất là với đồng tính giả và song tính là ở khuynh hướng hay tính cưỡng chế. Người đồng tính bị hấp dẫn bởi người cùng giới tính với mình mà chính bàn thân họ không chống lại được sự hấp dẫn ấy.
Tính hấp dẫn đồng giới này có liên quan đến tính dục, cho nên chỉ người trưởng thành mới được kể là đồng tính. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết: “(Đồng tính) Xuất hiện sau tuổi trưởng thành: Những chuyện cặp bồ của học sinh cấp I, II… đều không phải đồng tính ái.”
Với đặc điểm này, nhiều chuyên gia xem đồng tính là một bệnh lệch lạc về tình dục. Về mặt bệnh lý học tâm thần, họ được xếp vào nhóm lệch lạc đối tượng trong các bệnh lệch lạc tình dục. (Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – Thắc mắc biết hỏi ai, phần 21.) Tuy nhiên, vấn đề đã trở nên phức tạp khi nhiều người không chịu xem đồng tính là “bệnh lệch lạc”, mà chỉ là một điều tự nhiên. Những bất đồng của các chuyên gia khiến cho còn quá nhiều mơ hồ trong vấn đề giới tính thứ ba, nhận thức của người trong cuộc và của xã hội, thiếu hiểu biết và sự giả mạo đã làm cho việc nhận biết người đồng tính trở nên rất khó khăn. Chính người đồng tính có khi cũng không biết hoặc không chịu nhận mình là người đồng tính.
Nếu vậy thì làm sao để biết chính mình có đồng tính hay không?
Chúng ta có thể nhận ra khuynh hướng tình dục của mình mà không cần phải có quan hệ tình dục. Như trên đã nói, nếu một người bị người đồng giới hấp dẫn về tình dục thì đó là người đồng tính. Nếu chỉ bị người khác giới hấp dẫn thì là người dị tính, còn nếu bị cả hai hấp dẫn thì là người song tính. Nói gì thì nói, cũng rất khó mà chấp nhận rằng khuynh hướng quan hệ tình dục đồng tính là chuyện tự nhiên, bình thường. Việc không được chấp nhận khiến cho nhiều người đồng tính (và cả song tính nữa) chối bỏ khuynh hướng tình dục của mình. Vì thế, phần lớn việc nhận ra bản thân mình là đồng tính hay song tính diễn ra từ từ. Mỗi người lại có kinh nghiệm khác nhau. Có người nhận ra từ trước khi có quan hệ tình dục; có người lập gia đình, sinh con đẻ cái rồi mới lần hồi “mở mắt ra”; có người để lộ khuynh hướng ra người khác nhận thấy mà chính mình thì không chịu nhận.
Theo tôi thì nếu các bạn không gặp nan đề do “lệch lạc” về khuynh hướng tình cảm hay tình dục, thì không nên bận tâm lo lắng gì về vấn đề mình có đồng tính hay song tính. Dù chúng ta chưa bàn đến Kinh Thánh dạy gì về đồng tính và đồng tính có phải là tội hay không, nhưng nếu chúng ta không gặp nan đề mà cứ lo lắng về nan đề, thì chúng ta mắc phải - một là tội thiếu đức tin nhờ cậy Chúa; hai là đã đề cao quyền lực của tội lỗi và Satan quá. Hai lỗi này sẽ làm cho chúng ta dễ thất bại trong việc sống đời sống đẹp lòng Cha Trên Trời, phù hợp với Lời Chúa dạy chúng ta sống.
Mời các bạn đọc bài tiếp theo về nguyên nhân của tình trạng Đồng Tính.
留言