“Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ những kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.”
1. Giáo Phái là gì?
Giáo Phái là các tổ chức tôn giáo hay các quan điểm đức tin khác nhau nhưng có cùng một nguồn gốc, giống như một gốc cây chia ra nhiều nhánh nhiều cành vậy. Giáo phái khác với tà giáo là những quan điểm đã sai lạc, không còn đúng với đức tin ban đầu.
2. Đạo của Chúa Giê-xu có Giáo Phái không?
Cơ-đốc giáo (Đạo Đấng Krixt) có ba nhánh lớn: Công giáo La-mã, Chính Thống Giáo và Tin Lành. Công giáo thống nhất dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng, đặt Tòa Thánh tại Rô-ma (La-mã), Chính Thống giáo chia ra vài nhánh khác nhau. Tin Lành thì có rất nhiều giáo phái khác biệt nhau cả về tổ chức lẫn quan điểm đức tin thần học.
3. Giáo Phái có phải là do sự thất bại của Hội Thánh trong việc giữ gìn sự hiệp một không?
Lúc đầu, các giáo phái hình thành là do sự chia rẽ nội bộ, gây ra nhiều thương tổn và vấp phạm. Nhưng về sau, vấn đề giáo phái được nhìn nhận là nằm trong sự cho phép và kiểm soát của Đức Chúa Trời để đem lại ích lợi chung cho con dân Chúa cũng như cho Vương Quốc của Đấng Krixt.
4. Có nhiều Giáo Phái thì ích lợi gì?
Các giáo phái khác nhau cũng như một vườn hoa muôn màu, muôn vẻ, muôn sắc vậy (Ma-thi-ơ 13:31-32).
Đối với Đức Chúa Trời, một con người hay một tổ chức loài người hữu hạn không thể kinh nghiệm hết và diễn tả hết những gì thuộc về Đức Chúa Trời. Nhiều giáo phái khác nhau mới có thể bày tỏ về Đức Chúa Trời và đạo của Ngài trọn vẹn hơn.
Đối với tội nhân, nhiều giáo phái khác nhau sẽ giúp tiếp cận được với nhiều loại người khác nhau và cung ứng ơn cứu rỗi bằng nhiều phương thức khác nhau, phù hợp cho từng loại người.
Đối với Tin Lành, sự ganh đua của nhiều giáo phái sẽ thúc đẫy việc rao truyền Tin Lành nhanh, mạnh hơn. Đức Chúa Trời thúc đẫy sự ganh đua lành mạnh và kiểm soát sự ganh đua không lành mạnh để rao truyền Tin Lành (Rô-ma 10:19; Phi-líp 1:15,19).
Đối với Hội Thánh, Hội Thánh vừa là tập thể những con người mà cũng là một con người tập thể nữa. Vì thế, tuy cùng một Chúa, nhưng các Hội Thánh địa phương cũng có nhiều điều khác nhau, rất phong phú và đa dạng. Nếu gò bó, rập khuôn thì Hội Thánh không còn sự sống. Lịch sử phát triển Hội Thánh cho thấy tập thể tín hữu địa phương càng có nhiều điểm chung thì càng dễ gây dựng và phát triển. Mỗi tổ chức giáo hội muốn phát triển thì phải có quan điểm thần học rõ ràng. Mỗi Hội Thánh địa phương muốn phát triển cần có một phong cách riêng (Khải-huyền 2:1-3:22).
Đối với tín hữu, mỗi tín hữu phải được tự do trong mối liên hệ cá nhân với Đức Chúa Trời và với các tín hữu khác. Một tín hữu sinh hoạt trong một Hội Thánh địa phương có nhiều điểm phù hợp với mình thì sẽ dễ gắn bó với Hội Thánh và được gây dựng hiệu quả hơn (II Cô-rinh-tô 3:17).
5. Đã chia nhỏ thì tất phải suy yếu đi chứ! Tại sao Tin Lành không có một tổ chức thống nhất trên toàn thế giới?
Về phương diện tổ chức trên trần gian thì đúng là Tin Lành không có một tổ chức thống nhất toàn cầu để tạo nên một thế lực mạnh về chính trị hay xã hội. Thế nhưng có được thế lực đó lại không phải là điều tốt như nhiều người nghĩ.
Chúa Giê-xu không muốn nắm giữ quyền lực trần gian. Ngài cũng không muốn Hội Thánh nắm giữ quyền lực ấy (Giăng 6:15; 18:36).
Chúa Giê-xu muốn chinh phục tấm lòng của từng người bởi tình yêu; lập và mở rộng Nước Trời bằng sự hi sinh. Khi Hội Thánh nắm giữ và xử dụng quyền thế đời này, Hội Thánh sẽ xa rời tội nhân, người đời sẽ không hiểu sứ điệp ân điển mà Hội Thánh rao giảng, Hội Thánh sẽ lạc mất sứ mệnh của mình (Ê-phê-sô 5:2).
Có quyền thế của thế gian dễ khiến Hội Thánh đeo đuổi tinh thần thế gian: kiểm soát vận mệnh của mình mà không cần Đức Chúa Trời. Hội Thánh sẽ thiếu lòng tin cậy, nương dựa vào Đức Chúa Trời. Hậu quả là Hội Thánh sẽ biến chất, thất bại (Lu-ca 4:5).
Hội Thánh không cần phải nắm giữ quyền thế trần gian. Đức Chúa Trời gìn giữ và bảo vệ con dân Ngài. Ngài còn dùng sự yếu hèn để đánh bại quyền thế (Rô-ma 8:35-39; I Cô-rinh-tô 1:21,27-29).
Trên thực tế, dầu có nhiều phái nhánh và tổ chức khác nhau, con dân Chúa vẫn có thể bày tỏ tình huynh đệ, sự tương thân tương ái, tạo nên thế lực cho cộng đồng con dân Chúa trên toàn thế giới và có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên khắp thế giới (Rô-ma 15:30; Phi-líp 4:3).
6. Nếu vậy thì sự chia rẽ không phải là tội lỗi sao?
Chúng ta cần phân biệt sự phân chia hợp lý do nhu cầu tự nhiên, với sự chia rẽ do thiếu yêu thương và xung đột (I Cô-rinh-tô 1:10; Công-vụ 19:9). Có ba điều phải phân chia rõ ràng:
Phân biệt giữa thế gian và Hội Thánh (II Cô-rinh-tô 6:16-18).
Phân biệt giữa tà giáo và chính giáo (Tít 3:10).
Phân biệt giữa các tổ chức giáo hội nhằm truyền bá Tin Lành và gây dựng Hội Thánh hiệu quả hơn.
Tội chia rẽ không ở chỗ phân chia các giáo phái, các tổ chức giáo hội; mà nằm trong tâm trí, trong tấm lòng và thái độ của những kẻ giả hình hoặc người chưa trưởng thành về tâm linh. Sự thiếu hiểu biết cũng là nguyên nhân gây chia rẽ.
7. Vậy tôi có quyền gia nhập giáo phái nào tuỳ ý?
Bạn được tự do! Nhưng coi chừng, đừng lạm dụng sự tự do ấy mà hành động theo ý riêng, tạo dịp cho ma quỷ gây tổn hại cho bạn và cho Hội Thánh (Ga-la-ti 5:13). Bạn cần chú ý:
Phải gắn bó có tính cam kết với một Hội Thánh địa phương.
Nếu huỷ bỏ cam kết với Hội Thánh địa phương để gắn bó với Hội Thánh địa phương khác, bạn phải có lý do chính đáng. Hãy cầu nguyện tìm biết ý Chúa và trình bày vấn đề của bạn với các anh chị em trong Hội Thánh, nhất là với những người có trách nhiệm.
Hãy cẩn thận xem xét động cơ của bạn trước khi quyết định (Ma-thi-ơ 7:21-23). Bạn không nên chuyển hội (kể cả hai Hội Thánh trong cùng một tổ chức giáo hội), nếu:
* Bạn đang bất mãn hay có xung đột trong Hội Thánh cũ.
* Ở Hội Thánh mới bạn sẽ có nhiều quyền lợi hơn.
* Việc ra đi của bạn sẽ gây tổn thương hay vấp phạm cho Hội Thánh và người khác.
8. Tôi phải có lập trường thế nào trong vấn đề giáo phái?
Bạn phải nhớ và giữ ba nguyên tắc:
Chống lại tà giáo để bảo vệ đức tin chân chính.
Về mặt thuộc linh, hiệp thông với tất cả những ai thật sự tin nhận Chúa Giê-xu và vâng giữ Kinh Thánh mà không có một điều gì phân biệt.
Trái lại, về mặt tổ chức giáo hội thì phải phân biệt rõ ràng, minh bạch. Bạn phải tôn trọng các tổ chức giáo hội.
Phải giữ quân bình hài hoà giữa hai mặt thuộc linh và tổ chức sao cho điều này không gây phương hại cho điều kia.
9. Tôi phải có thái độ nào đối với các giáo phái khác?
Tìm hiểu một cách nghiêm túc và khiêm nhường để có thể nhận diện tà giáo và giữ mối quan hệ tốt hơn với giáo phái khác.
Tránh sự cạnh tranh không lành mạnh. Cảnh giác ma quỷ gây chia rẽ và xung đột. Đặt lợi ích chung của Nước Trời lên trên lợi ích riêng của giáo hội.
Cẩn thận và khôn khéo đề phòng những người phá hoại Hội Thánh, gieo rắc tà giáo và, hoặc gây chia rẽ (Ma-thi-ơ 10:16). Tích cực giải quyết ngay những hiểu lầm hay bất đồng trong anh em.
Có tinh thần bao dung đối với những khác biệt. Đừng bao giờ đề cao chính mình, hay chỉ trích, phê phán người khác.
Tìm cơ hội diễn tả tình huynh đệ trong Chúa Giê-xu. Nếu được thì hợp tác trong việc rao truyền Tin Lành, gây dựng đức tin.
Vâng phục tổ chức và người lãnh đạo của mình. Tôn trọng tổ chức và người lãnh đạo của giáo phái khác.
Comments