HỎI: Có rất nhiều điều em không thỏa lòng về Hội Thánh của mình. Em đắn đo mãi mới nêu vấn đề này ra. Em không bất mãn hay xung đột với ai. Em cũng không có ý xét đoán Hội Thánh hay một cá nhân nào. Em chỉ cảm thấy lo lắng và muốn biết em phải làm thế nào cho đúng Kinh Thánh dạy?
ĐÁP: Hội Thánh tại Cô-rinh-tô ngày xưa có rất nhiều vấn đề. Sứ đồ Phao-lô viết thư nghiêm khắc phê bình các lãnh đạo và tín hữu Cô-rinh-tô, đồng thời khuyên mỗi người phải THẬN TRỌNG góp phần xây dựng Hội Thánh. (1Cô-rinh-tô 3:10). Ngày nay, dầu Hội Thánh địa phương của chúng ta tốt hay xấu, chúng ta cũng có thể dựa vào 1Cô-rinh-tô 3:9-15, để học cách bước đi đúng đường lối của Đức Chúa Trời, trong tư cách tín đồ của một Hội Thánh địa phương.
Khi Hội Thánh địa phương của bạn có quá nhiều nan đề…
BẠN ĐỪNG
1. Bực tức, phê phán, xét đoán,
2. Chán nản, buông xuôi,
3. Thờ ơ, lãnh đạm,
BẠN HÃY
4. Phó thác mọi sự cho Cha với lòng tin cậy,
5. Giữ mối liên hệ tốt, hài hòa với tất cả anh chị em.
Nhờ ơn và sức Chúa ban cho, bạn tích cực đóng góp phần của mình, đúng vai trò, địa vị bạn đang có trong Hội Thánh, bằng cách bước đi đúng đường lối của Đức Chúa Trời, theo 5 nguyên tắc sau.
1. NỀN HỘI THÁNH là Chúa Giê-xu – 1Cô-rinh-tô 3:11.
Hội Thánh địa phương cũng là một tổ chức xã hội, các thành viên ràng buộc với nhau bởi luật lệ và giữ ổn định dưới một thể chế. Nhưng khi đã gia nhập hội chúng địa phương nào, thì bạn phải xem hội chúng đó là gia đình thuộc linh của mình, gắn kết với các tín hữu khác như anh em cùng một Cha trên trời trong GIAO ƯỚC MỚI CỦA CHÚA GIÊ-XU. (Ê-phê-sô 5:25-27).
Chúng ta chấp nhận anh chị em như Chúa Giê-xu đã chấp nhận mình, một con người có giới hạn, yếu đuối và thường thất bại. "Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ, hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa." (Phi-líp 2:3-4).
Là một tổ chức hữu hình trên đất, hội chúng luôn luôn có những yêu cầu và những nan đề. (Công-vụ 6:1). Chúng ta góp phần đáp ứng những yêu cầu, chứ không gây ra những nan đề cho gia đình thuộc linh của mình.
Hội Thánh là gia đình thuộc linh, Đức Chúa Trời là Cha, tất cả là anh chị em của nhau. Khi xây dựng Hội Thánh địa phương, chúng ta không chú trọng xây dựng nhà thờ hay cơ sở vật chất. Cũng không phải phát triển một tổ chức tôn giáo. Xây dựng Hội Thánh địa phương là góp phần gây dựng từng anh chị em trong hội chúng, “cho đến khi tất cả chúng ta đều đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, để trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ. Nhờ Ngài mà cả thân thể kết hợp và gắn chặt với nhau” (Ê-phê-sô 4:13,16).
Mỗi một người trong Hội Thánh đều được đón nhận và được tôn trọng như nhau. Chúng ta không được quỵ lụy người này, khinh rẽ kẻ khác.
Chúng ta phải thận trọng, không vì quyền lợi riêng hay vì lợi ích của tổ chức giáo hội mà làm tổn thương một thành viên bất kỳ nào trong hội chúng. (Ma-thi-ơ 18:1-14). Những anh em non yếu nhất về thuộc linh chính là những người nên được quan tâm nhiều nhất. Các tín hữu có nan đề lại là những người thúc đẫy những giá trị của Hội Thánh tốt nhất. (1Cô-rinh-tô 12:21-26).
A. Vật liệu tạm.
Gỗ, cỏ khô, rơm rạ là những vật liệu dùng xây dựng những công trình tạm, như là kho vật liệu, dàn giáo… làm cơ sở hổ trợ xây dựng công trình chính, như là ngôi đền thờ. Có ba loại phương tiện để xây dựng Hội Thánh trong đời tạm này:
Tiền bạc, cơ sở vật chất, khôn ngoan, tri thức.
Các chức vụ: Sứ đồ, nhà tiên tri, người truyền giảng Tin Lành, mục sư, giáo sư, người làm phép lạ, người được ân tứ chữa bệnh, người giúp đỡ, người quản trị, người nói các thứ tiếng lạ (Ê-phê-sô 4:11; 1Cô-rinh-tô 12:28).
Các ân tứ - 1Cô-rinh-tô 12:7-11: lời nói khôn ngoan, lời nói tri thức, đức tin, chữa bệnh, làm các phép lạ, nói tiên tri, phân biệt các thần linh, nói các thứ tiếng lạ, thông dịch các thứ tiếng.
B. Vật liệu đời đời.
Chỉ có một điều duy nhất còn lại đời đời: Tình yêu thương (1Cô-rinh-tô 13:8-13). Tất cả các phương tiện khác: Tiền bạc, cơ sở vật chất, tài năng, tri thức, chức vị, kể cả những gì do chính Đức Thánh Linh ban cho như các ân tứ cũng chỉ có giá trị tạm thời trên đất này. Ngay cả đức tin và hi vọng, là bản chất của Hội Thánh cũng không cần đến trong cõi đời đời. Riêng tình yêu còn lại đời đời. Tính yêu là bản tính của Đức Chúa Trời, là bản chất của Thiên Đàng đời đời. Đối với Đức Chúa Trời, bất cứ điều gì chúng ta làm, mà không bởi tình yêu, thì không có giá trị gì cả (1Cô-rinh-tô 13:1-3).
4. PHƯƠNG PHÁP: Lấy tình yêu vừa là phương tiện vừa là cứu cánh để xây dựng Hội Chúng Địa Phương.
A. Yêu Chúa: Diễn tả qua sự thờ phượng chân thật và sự tìm kiếm Lời Cha để sống sao cho Cha vui lòng (Giăng 4:23).
B. Yêu nhau: Diễn tả tình huynh đệ trong sự hiệp thông và trong đời sống hằng ngày.
C. Yêu người lân cận: Diễn tả bằng sự phục vụ và truyền giảng Tin Lành cho cộng đồng xã hội.
A. Ao ước: Những phương tiện thông thường trên đời.
Của cải vật chất: Tài chính, đất đai, nhà thờ, cơ sở…
Danh: Bằng cấp, học vị, uy tín…
Quyền: Chức vị, thể chế, luật lệ…
Phước: Thành công, thuận lợi…
Với những điều ao ước, nếu Chúa cho thì chúng ta nhận lấy và dùng để gây dựng và phát triển Hội Thánh. Nhưng chúng ta (1) không cố dành đạt như là mục tiêu của Hội Thánh, (2) không đầu tư qua nhiều nguồn lực của hội thánh cho những điều này, và (3) không để cho những điều này gây ra đố kỵ, tranh cạnh, chia rẽ trong Hội Thánh.
B. Khao khát: Chức vụ và ân tứ do Đức Thánh Linh ban cho.
Chúng ta không thể gây dựng phát triển Hội Thánh thuộc linh bằng sức riêng và theo ý riêng. Chúng ta cần nguồn lực thiên thượng là sự dẫn dắt và ban ơn của Đức Thánh Linh. Nếu không, chúng ta chỉ phát triển một tổ chức tôn giáo chứ không phải là Hội Thánh của Chúa Giê-xu. Vì vậy, chúng ta phải khao khát và cầu xin để có những chức vụ và ân tứ từ Đức Thánh Linh.
Tuy nhiên, chúng ta phải để cho Đức Thánh Linh toàn quyền ban cho chức vụ nào, ân tứ gì, cho ai trong Hội Thánh. Đức Thánh Linh biết rõ nhu cầu của Hội Thánh. Nếu chúng ta cố tìm kiếm chức vụ và ân tứ thuộc linh, chúng ta rất dễ rơi vào (1) sự kiêu ngạo, (2) ganh ghét, (3) tranh cạnh, (4) chia rẽ, và (5) phe phái trong Hội Thánh.
C. Tìm kiếm: Tình yêu thương.
Chúng ta phải đeo đuổi, nôn nả tìm kiếm tình yêu thương (1Cô-rinh-tô 14:1). Chúng ta sẽ không ăn ngon, ngủ yên nếu Hội Thánh thiếu tình yêu thương. Chúng ta cũng không để cho bất cứ điều gì khác làm giảm hay làm mất tình yêu thương trong Hội Thánh. Mỗi anh chị em trong Hội Thánh cần…
Ý thức tình yêu là giá trị cốt lõi của Hội Thánh, là yêu tố tạo nên sức sống cho Hội Thánh.
Lấy yêu thương để kết nối, tạo lập, phát triển và gìn giữ mối liên hệ với Đức Chúa Trời và với nhau.
Tạo nên trong Hội Thánh một bầu khí yêu thương. Làm sao cho người ta nhìn thấy rõ ràng lòng yêu kính Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng, tình thân ái trong sự hiệp thông.
Làm việc gì cũng lấy tình yêu thương mà làm.
Tìm kiếm và bảo vệ tình yêu thương cho kỳ được.
Hội Thánh của bạn sẽ như thế nào phụ thuộc vào sự tể trị của Đức Chúa Trời, Đấng luôn luôn công bằng và dư dật tinh thương. Nhưng khi bước đi đúng đường lối của Đức Chúa Trời, trước hết, bạn sẽ chiến thắng cay đắng, ngã lòng. Cả thế gian này có ra sao đi nữa, thì bạn vẫn luôn bình an, vui thỏa trong sự chăm sóc và bảo vệ của Cha trên trời. Hơn nữa, tại nơi bạn sống, tại chỗ bạn đứng, Cha đã lập bạn lên để sống cuộc đời phong phú và đầy ý nghĩa của con Trời sống trên đất.
Comments