top of page
Ảnh của tác giảBầy Nhỏ

Người của Đức Chúa Trời trong cơn khủng hoảng về sự tồn vong của dân tộc

Bài Học của Tiên Tri GIÊ-RÊ-MI. Thánh Kinh - Sách Giê-rê-mi chương 1.

Vào cuối thế kỷ VII sang đầu thế kỷ VI Trước Chúa, Vương quốc Giu-đa (Do-thái) rơi vào cơn khủng hoảng tệ hại nhất. Đế quốc A-si-ri đang suy tàn. Nhưng Giu-đa đang bị ép giữa Ba-by-lôn và Ai-cập. Nước này đang trổi dậy mạnh mẽ, còn nước kia xưa nay hùng mạnh ít ai bằng.

Vấn đề không mới. Tình hình cũng chưa phải là bi đát lắm. Trước đây, khi đế quốc A-si-ri tàn bạo tiêu diệt các nước, trong đó có cả nước anh em I-sơ-ra-ên phía Bắc, Giu-đa cũng đã nhiều lần bị đại quân A-si-ri vây hãm. Trong lúc nguy cấp nhất, nhân dân vẫn bình tỉnh lo làm lo ăn, để cho các nhà cầm quyền giải quyết mọi chuyện. Nhưng lúc ấy, Đất Nước đang được vua Ê-xê-chia, một vị minh quân dẫn dắt. Còn các vua hiện nay không ai đủ tầm, đủ tâm cho dân thương, dân phục. Không tin tưởng vua, người dân sẽ lo sợ. Dân lo sợ thì dễ manh động. Nhiều khi chính quyền xem dân là ‘giặc trong’, đối phó còn khó hơn thù ngoài.

Người của Đức Chúa Trời không khom lưng cúi đầu khuất phục trước quyền lực của vua! Người của Đức Chúa Trời cũng không để sự lo sợ xui khiến mình góp phần làm mất ổn định cho Đất Nước. Dân Chúa tôn trọng và vâng phục vua không phải do có vua tài đức, hay là vì sợ vua trừng phạt! mà là vì kính sợ Đức Chúa Trời là Đấng cho phép vua cai trị mình. Dân Chúa bình tâm trong mọi việc không phải vì tin tưởng chính sách hay đường lối của vua, mà là vì tin cậy Đức Chúa Trời, là Cha Đời Đời, Đấng chí tôn kiểm soát mọi sự. Người của Đức Chúa Trời không để mình bị cuốn đi theo đám đông dân chúng. Cho dù cả nước đi một đường khác, thì Người của Đức Chúa Trời cũng phải kiên định đi trong đường lối và ý muốn của Đức Chúa Trời.

Đối với Người của Đức Chúa Trời thì khủng hoảng là khi dân Chúa không xác định được ý muốn của Chúa. Một số người muốn thần phục Ba-by-lôn; có thể vì niềm vui do Ba-by-lôn đem lại khi đánh bại kẻ thù tàn ác A-si-ri; cũng có thể vì nổi sợ trước một Ba-by-lôn đang trở thành thế lực hùng mạnh thống trị cả thế giới. Một số khác muốn liên minh với Ai-cập; vì mối bang giao tương đối tốt với phía Tây trong quá khứ, và cũng vì nổi ám ảnh về tham vọng và sự tàn bạo của các dân đến từ phía Bắc. Không biết ý Chúa, không có một tiếng nói đủ sức thuyết phục mọi người; thì người kính sợ Đức Chúa Trời cũng như kẻ tham vọng cá nhân, người yêu nước thương dân cũng như bọn cơ hội, hám danh hám lợi; đều rất dễ bị cuốn vào sự chia rẻ và xung đột. Dầu ai là kẻ thù hay ai là đồng minh, thì sự chia rẻ và xung đột trong môt nước chỉ hại cho dân nước đó! chứ đồng mình cũng không giúp được gì; mà kẻ thù thì chẳng bị tổn hại gì!

Nếu chưa xác định được ý muốn và đường lối của Đức Chúa Trời, thì Người của Đức Chúa Trời im lặng, không theo phe, không lập phái. Phải có tinh thần trách nhiệm cao và một lòng tin cậy kính sợ Chúa, mới giúp cho Người của Đức Chúa Trời đủ sức giữ mình, không bị cuốn vào xung đột. Bởi vì người đứng bên ngoài cuộc xung đột sẽ bị cả hai bên xem là kẻ vô trách nhiệm, tên hèn nhác. Còn người đứng giữa đã không có ai che chở cho mà còn bị tấn công từ cả hai phía. Không chịu nổi áp lực từ các phe phái đang xung đột, giới lãnh đạo Do-thái, từ vua, các quan chức, các nhà chính trị, cho đến các thầy tế lễ, các tiên tri đã không kiên trì tìm biết ý Chúa. Một vài người cố tìm giải pháp nhờ vào khôn ngoan hay kinh nghiệm của loài người. Phần đông còn lại chỉ nhắm mắt chạy theo đám đông. Nhiều người còn chắc quyết quan điểm của mình là ý Trời, nên mạnh tay đàn áp những người không cùng chính kiến. Vì thế, Người của Đức Chúa Trời phải rất cẩn thận xem xét điều gì thực sự là ý muốn của Đức Chúa Trời trên dân tộc của mình.

Để xác định mình có thực sự nhận biết được đúng ý muốn của Đức Chúa Trời trên dân tộc của mình thì Người của Đức Chúa Trời…

  • Phải chắc chắn rằng mình đang có mối tương giao ổn thỏa với Đức Chúa Trời, và

  • Phải chắc chắn rằng mình đã nghe và hiểu đúng Lời của Đức Chúa Trời.

Dù đã biết ý muốn và đường lối của Đức Chúa Trời cho dân tộc mình, Người của Đức Chúa Trời cũng không tự ý đi công bố Lời Chúa phán với mình. Người của Đức Chúa Trời còn phải chắn chắn hai điều nữa…

  • Phải chắc chắn rằng mình được Đức Chúa Trời lựa chọn và sai phái. Như vậy, Người của Đức Chúa Trời sẽ không bị rơi vào bẩy của danh, lợi, quyền.

  • Phải chắc chắn rằng mình được Chúa ở cùng và ban cho ân tứ và thẩm quyền thiên thượng. Như vậy, Người của Đức Chúa Trời sẽ trung tín và dũng cảm đương đầu với mọi thế lực của trần gian.

Khi đã chắc chắc nhận được Lời của Đức Chúa Trời và được Ngài ủy thác rao giảng, thì dù cho Lời đó có gây tổn thương nước mình yêu, làm đau đớn cho dân mình thương, Người của Đức Chúa Trời vẫn phải ngay thẳng, trung tín rao giảng đúng ý muốn của Đức Chúa Trời.

Thật đau khổ khi bị chính dân tộc mình hành hung, bách hại.

Còn khổ tâm hơn khi bị những người mình yêu thương oán hận, nguyền rủa.

Nhưng đối với Người của Đức Chúa Trời đi rao giảng sự phán xét của Đức Chúa Trời cho một dân tộc cứng lòng! Đến lúc Lời đó thành nghiệm, lúc được người ta công nhận, thì cũng là lúc đau lòng nhất.

Trong cơn khủng hoảng của dân tộc, Người của Đức Chúa Trời trả giá quá đắt cho chức vụ, mà không có một giải pháp nào cho Đất Nước. Nhưng rất nhiều người đã nhờ chức vụ của ông mà ăn năn và hết lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời. Hằng trăm năm sau, bài giảng của ông vẫn thắp lên hi vọng, để trong thời kỳ tăm tối nhất của Đất Nước, dân Chúa vẫn vững vàng sống bình an trong ơn phước của Đức Chúa Trời. Tại chốn lưu đày, dân Chúa đã đồng lòng tin cậy Đức Chúa Trời, khích lệ nhau bước đi trong đường lối của Ngài, làm nhân chứng cho cả thế giới về Đấng Thiên Sai, là Chúa Cứu Thế sẽ đến thế gian để đưa nhân loại bước vào kỉ nguyên bình an phước lạc.

Comments


bottom of page