Làm thế nào để thay đổi thói quen?
- Bầy Nhỏ
- 6 thg 7, 2022
- 5 phút đọc
Đã cập nhật: 2 thg 12, 2023
HỎI: Cậu ơi! Làm thế nào để thay đổi những thói quen ạ?
Con muốn được phát triển bản thân, nhưng thói quen xấu nó khiến con không bước đi được một bước nào!

ĐÁP: Thói quen là những hành động người ta làm đi làm lại một cách tự phát mà không có chủ tâm làm chúng. Thói quen dù tốt hay xấu cũng có hai loại.
Những thói quen “bẩm sinh”, do cá tính của người đó. Ví dụ người thuộc nhóm ‘chào mào’ thường có thói quen đi ngủ sớm, thức dậy sớm; còn người thuộc nhóm ‘cú’ hay có thói quen thức khuya, dậy muộn. Đôi khi người ta không thích hoặc bị bất tiện với thói quen của mình. Nhưng cá tính con người là do cha sinh mẹ đẻ, hay đúng hơn là do Trời cho. Mỗi cá tính đều có chỗ hay chỗ dở. Tốt nhất là nên chấp nhận chính mình và sống sao để phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của mình. Ví dụ thay vì cố gắng thay đổi thói quen giờ giấc thì nên xếp lịch hoạt động cho phù hợp với đồng hồ sinh học (thói quen) của chính mình.
Những thói quen “tập thành” do hoàn cảnh, môi trường sống hoặc do tập luyện mà có. Một em học sinh lớp 8 học buổi chiều, mỗi sáng vui hưởng cái thú ngủ nướng thêm nữa giờ, một tiếng. Ba tháng hè chơi game đến tận nữa đêm. Năm lớp 9 em học buổi sáng; học sa sút và khốn khổ vì tật thức khuya, dậy muộn. Những thói quen loại này nếu thấy là xấu thì nên thay đổi.
Sau đây là vài đề nghị giúp thay đổi thói quen:
- Đã gọi là thói quen thì rất khó bỏ. Muốn thay đổi một thói quen xấu thì phải thay thế nó bằng một thói quen tốt. Cứ lo tập thói quen tốt thì thói quen xấu sẽ tự nhiên biến mất.
- Tập thói quen có nghĩa là cố gắng lập đi lập lại một hành động thật nhiều lần cho đến khi làm hành động đó một cách tự nhiên, không cần phải cố gắng nữa.
- Tập thói quen đòi hỏi tập trung cao độ giống như người nhắm bắn chim vậy. Không thể nhắm bừa rồi bắn đại vào một đàn chim, vì sẽ không trúng con nào hết. Vậy, chỉ nên tập mỗi lần MỘT thói quen thôi. Khi nào hình thành thói quen đó rồi mới chuyển sang tập một thói quen khác.
- Tạo động lực bằng cách nhằm vào những giá trị và ý nghĩa của thói quen đó. Ví dụ em học sinh lớp 8 cố gắng bỏ thói xấu ngủ nướng hai tuần trước khi vào lớp 9. Em dậy sớm, nhưng không biết làm gì! Thế là em ấy rời giường ra ngồi ở phòng khách… ngủ gục. Em ấy có thể đưa ra mục tiêu là dậy sớm để hát tôn vinh Chúa hoặc học Kinh Thánh. Như thế sẽ có thêm động lực.
- Làm được rồi thì chưa chắc đã thành thói quen. Quan trọng là DUY TRÌ hành động đó trong thời gian dài.
- Mỗi khi mệt mỏi hoặc là chán nản mà bỏ tập một hai ngày, thì đừng nghĩ mình đã thất bại và đừng vội bỏ cuộc. Hãy cố gắng tập trở lại ngay. Mạnh mẽ và hay giỏi không quan trọng bằng kiên trì, bền bỉ.
- Ngoài hành động đang tập thì thêm một chút "mắm muối, gia vị" vô để tạo hứng thú. Ví dụ như tập thói quen dậy sớm thì thêm vô việc trước khi ra khỏi giường thì nói một câu cảm ơn Chúa ban cho ngày mới.
- Có thể tự tạo áp lực cho việc tập thói quen. Ví dụ như hồi cậu còn đi học, các bạn của cậu đã nhờ cậu giúp họ bỏ thói nói tục, chửi thề; hễ nghe ai nói một tiếng thô tục thì cậu thu của người đó 5 đồng, bằng giá 1 ly chè. Khi nào có nhiều tiền phạt thì cả nhóm cùng đi ăn chè. (Lúc đầu sau mỗi trận bóng ăn chè không hết tiền!)
Con muốn thay đổi thói quen để phát triển hay thăng tiến bản thân thì còn phải xét chính bản thân con nữa. Thói quen, cũng như những lời nói, hành động khác là những bông trái bên ngoài của sự sống bên trong con người. Thay đổi bông trái bên ngoài không thể làm thay đổi sự sống bên trong. Còn nếu thay đổi sự sống bên trong thì bông trái bên ngoài cũng sẽ thay đổi theo. Con có thể tưới bón và trừ sâu bệnh để cây quít ra nhiều trái quít ngon ngọt, không có hoặc ít có trái quít chua, còi, thối. Nhưng con không thể bắt cây chanh chua ra trái quít ngọt được.
Theo Kinh Thánh dạy thì con người không thể thay đổi bản chất sự sống bên trong. "Người Ê-thi-ô-pi có thể đổi được màu da. Hay con beo đổi được vằn nó không? Nếu được, thì các ngươi vốn quen làm điều ác sẽ làm được điều thiện." (Giê-rê-mi 13:23.) Chỉ có Đức Chúa Trời, là Đấng đã dựng nên loài người, hiểu thấu mỗi người, yêu quí từng người; mới có thể thay đổi được con người hoàn toàn. "Đức Giê-hô-va thương xót người kính sợ Ngài, Khác nào cha thương xót con cái mình vậy. Vì Ngài biết chúng ta được nắn nên từ đâu; Ngài nhớ lại rằng chúng ta vốn từ cát bụi." (Thi Thiên 103:13-14.)
Cách Đức Chúa Trời thay đổi mỗi người chúng ta không phải cải thiện hay huấn luyện con người cũ của chúng ta. Mà là thay bằng sự sống mới, để có con người mới, sống cuộc đời mới hoàn toàn. Ngài đã nhờ sự chết của Chúa Giê-xu để giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc, những yếu nhược của con người cũ, đời sống cũ, và ban cho Thánh Linh để tạo dựng chúng ta nên người mới, sống bằng sự sống mới của Chúa Giê-xu. "Luật của Thánh Linh sự sống trong Đấng Christ Jêsus đã giải phóng tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết. Vì điều gì luật pháp không thể làm được do xác thịt làm cho suy yếu thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã sai chính Con Ngài mang lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi để giải quyết tội lỗi; Ngài đã kết án tội lỗi trong xác thịt, để sự công chính mà luật pháp đòi hỏi được thực hiện đầy đủ trong chúng ta, là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh." (Rô-ma 8:2-4.)

Nếu con chưa được tái sinh hoặc là không biết chắc là con đã được tái sinh hay chưa, thì con không nên lấy việc thay đổi thói quen để phát triển hay thăng tiến bản thân. Con cần tìm hiểu để có được sự sống mới, để trở nên con người hoàn toàn mới. Con có thể tìm hiểu về tái sinh qua bài viết 'này'.
Nếu con đã được tái sinh thành con người mới, thì việc thay đổi những thói quen nào đó đang cản trở con được tăng trưởng trong sự sống mới, là việc nên làm. Nhưng cần chú ý là con cần làm điều đó theo ý Cha trên trời và nhờ sức Chúa ban. Các phương pháp và nghị lực của con người không giúp được gì, nếu không có…
- Lời quyền năng của Cha (Kinh Thánh)
- Ân điển cứu giúp của Chúa Giê-xu, và
- Sức sống quyền năng của Chúa Thánh Linh.
Ghi chú: Chào mào ngủ suốt đêm, dậy sớm, hót véo von ngay khi có tia sáng ban mai. Còn cú lại săn mồi ban đêm, ban ngày ngủ.
Comments