top of page
Ảnh của tác giảBầy Nhỏ

Làm thế nào để phân biệt giữa Thử Thách và Cám Dỗ?

Đã cập nhật: 2 thg 12, 2023

HỎI: Em nhờ anh giải thích giúp một vấn đề. Trong Kinh Thánh Chúa hứa không để cho ma quỷ cám dỗ quá sức của chúng ta. Nhưng trong dịch bệnh covid này, em thấy Hội Thánh không ổn! Lúc chưa có tín đồ bị bệnh thì nhiều tín đồ làm cho người ta nghĩ rằng vì là Cơ Đốc nhân (chắc là thánh thiện hơn người khác,) họ sẽ không bị bệnh. Đến khi có nhiều tín đồ, có cả các mục sư bị bệnh, và cũng có người đã chết, thì cộng đồng Hội Thánh, theo em nghĩ – còn rối hơn cả người ngoài. Em xin lỗi mà nói rằng em thấy Hội Thánh không làm vinh hiển danh Chúa, mà còn gây vấp phạm cho người ngoài, làm tổn thương lẫn nhau nhiều hơn là yêu Chúa, yêu người. Có phải Hội Thánh đã thất bại trong dịch bệnh covid này? Nếu vậy, có phải Hội Thánh đã bị cám dỗ quá sức không?

ĐÁP: Câu Kinh Thánh em nói đó là I Cô-rinh-tô 10:13 – “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” Đây là lời hứa dành cho “anh em” , tức là dành cho các cá nhân tín đồ, chứ không phải cho Hội Thánh. Vậy, có thể đã có nhiều tín đồ thất bại, có thể có những nhóm tín đồ hay những giáo hội thất bại, nhưng Hội Thánh của Chúa Giê-xu không thất bại. Nhìn vào một vài người, nghe một số thông tin, đọc một mớ bài đăng, chúng ta thấy không vui tí nào. Nhưng cũng không khó để nhận thấy rằng khắp nơi trên thế giới đã có nhiều Cơ Đốc nhân nhờ đại dịch mà gần Chúa hơn, tin yêu Chúa hơn; đã biến đại dịch thành cơ hội tạo ảnh hưởng tốt lành của Chúa Giê-xu trên người khác. Anh em mình không cần 'lo lắng giùm' cho Đức Chúa Trời . Dầu vậy, chúng ta lại càng gặp khó khăn hơn trong việc hiểu và áp dụng I Cô-rinh-tô 10:13. Bởi vì Phao-lô đã nói “Đức Chúa Trời là thành tín chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình.” Vậy mà ở đâu, lúc nào cũng có quá nhiều tín đồ thất bại và phạm tội!

KINH THÁNH DẠY GÌ VỀ SỰ CÁM DỖ?

Để hiểu được I Cô-rinh-tô 10:13, chúng ta cần tìm hiểu Kinh Thánh dạy gì về sự cám dỗ. Hầu hết các bản dịch Việt Ngữ hiện nay dùng từ ‘thử thách” thay cho “cám dỗ” trong câu này. Thử thách và cám dỗ là hai ý khác nhau, nhưng dùng cùng một từ trong nguyên văn Kinh Thánh. Các bản dịch tùy theo ngữ cảnh mà dịch là cám dỗ hay thử thách. Gia-cơ 1:13 nói: “Chớ có ai đương bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai.” Nhưng ngay trong câu 12 Gia-cơ lại nói: “Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.”

Đức Chúa Trời không cám dỗ người ta, kể cả người không tin. Nhưng Ngài thử thách các con của Ngài. Sa-tan thì ngược lại, không cần cám dỗ những người thuộc về nó, nhưng tấn công các con của Đức Chúa Trời không ngừng nghỉ. Trong cùng một sự việc, một tín đồ có thể đối diện với cả cám dỗ và thử thách. Đức Chúa Trời dùng sự việc đó để thử thách, còn Sa-tan lợi dụng việc đó để cám dỗ. Cha thiên thượng dùng thử thách giúp các con của Ngài trưởng thành hơn. Chúng ta nhờ thử thách mà sinh ra: "nhịn nhục (kiên nhẫn), nghị lực, hi vọng..." và "được trưởng thành, hoàn hảo, không thiếu sót điều gì." (Rô-ma 5:4; Gia-cơ 1:2-4). Còn Sa-tan luôn tìm cách làm mất hiệu lực của ân điển trên một người bằng cách làm cho người đó có nan đề trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời; Sa-tan cố làm mất sức sống của Hội Thánh bằng cách phá hoại mối liên hệ của anh chị em con cái Chúa với nhau. Vì vậy, Sa-tan dùng cám dỗ để làm cho các con của Đức Chúa Trời đánh mất đức tin, hi vọng và nhất là tình yêu thương.

VẬY THÌ LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÂN BIỆT GIỮA THỬ THÁCH VÀ CÁM DỖ?

Gia-cơ đã giải thích về sự cám dỗ: "Đức Chúa Trời không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị cám dỗ bởi chính dục vọng mình lôi cuốn và quyến dụ. Rồi khi dục vọng đã cưu mang thì sinh ra tội lỗi; tội lỗi đã trưởng thành thì sinh ra sự chết." (Gia-cơ 1:13-15). Đức Chúa Trời dùng một sự kiện để tạo áp lực lên Ý CHÍ TỰ DO của con người. Họ sẽ gặp khó khăn trong việc chọn vâng theo hay từ chối ý muốn và đường lối của Đức Chúa Trời. Khi chọn lựa vâng theo ý Chúa, bước đi theo đường lối Chúa, họ sẽ bước lên một bước cao hơn trong mối liên hệ với Chúa. Họ sẽ thêm đức tin và lòng yêu mến Chúa. Nếu không có áp lực trong việc lựa chọn đó, họ sẽ vẫn đứng y một chỗ trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời với tình yêu và quyền năng kiểm soát trên tất cả để đem lại ơn ích cho họ. Ngài đưa đến sự thử thách thích hợp với mỗi người. Mức độ áp lực và thời gian chịu áp lực cũng vừa sức với mỗi người. "Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, Ngài không để anh em bị thử thách quá sức mình đâu! Nhưng trong thử thách, Ngài sẽ mở đường cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được." (I Cô-rinh-tô 10:13).

Sa-tan cũng dùng cùng một sự kiện ấy, nhưng tác động đến DỤC VỌNG của chúng ta. Không phải dục vọng hay ham muốn nào của chúng ta cũng xấu. Phần lớn những ham muốn của người ta là do những nhu cầu chính đáng thôi thúc. Nhưng khi chú tâm đến những dục vọng của mình, chúng ta sẽ bị thôi thúc bởi cái tôi vị kỷ của chúng ta, khiến chúng ta không để ý đến ý muốn của Đức Chúa Trời, không quan tâm đến nhu cầu, ước muốn của người khác. Từ đó dẫn đến việc chúng ta chọn thỏa mãn dục vọng của mình mà không vâng theo ý muốn và không sống theo đường lối của Cha chúng ta.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG TRÁNH SỰ CÁM DỖ?

Gia-cơ giải thích rằng khi Đức Chúa Trời đem sự thử thách đến cho chúng ta, mà chúng ta chú tâm đến dục vọng của mình, đó là lúc chúng ta bị cám dỗ, vì "chính dục vọng mình lôi cuốn và quyến dụ" mình. Nếu chúng ta vì đức tin và (hoặc) vì yêu Chúa mà gạt bỏ ý muốn riêng để vâng theo ý Chúa, chúng ta sẽ chiến thắng cám dỗ, đồng thời cũng sẽ vượt qua thử thách. Nhưng nếu chúng ta quá tập trung vào chính mình, chúng ta cứ giữ mãi trong trí trong lòng những ước muốn đó, rồi "khi dục vọng đã cưu mang thì sinh ra tội lỗi."

Muốn nhận biết sự cám dỗ, chúng ta cần xem xét những ước muốn của mình đến từ bản tính tự nhiên của con người cũ hay đến từ Đức Thánh Linh đang ngự trị trong con người mới (Xem Ga-la-ti 5:16-17). Ham muốn của con người đến từ hai nhu cầu căn bản: Được sống an toàn và sống có ý nghĩa. Người ta lao vào săn tìm tiền của, danh tiếng, quyền lực và lạc thú; bởi vì những điều đó đem đến cho họ cảm giác an toàn và cảm nhận mình là người quan trọng. Sự thật hiển nhiên là danh - lợi - quyền - lạc thú không hề đem lại hạnh phúc và ý nghĩa sống. Nhưng hiển nhiên không kém là người ta vẫn vì danh lợi quyền lạc thú, không những hủy hoại cuộc đời mình mà còn kéo theo nhiều nạn nhân của lòng tham muốn vị kỷ của mình. Kinh Thánh trong Ê-phê-sô 4:22 đã giải thích là con người với bản tính tự nhiên “vốn bị hư hỏng bởi những ham muốn dối trá.” Sau khi tin nhận Chúa Giê-xu, Cơ Đốc nhân nhờ Lời Đức Chúa Trời và Thánh Linh của Đức Chúa Trời để nhận biết và vui hưởng tình yêu của Cha trên trời. Được làm con của Đức Chúa Trời, chúng ta ở trong sự chăm sóc, bảo vệ và dẫn dắt của Cha để sống giữa thế gian này, tạo ảnh hưởng của Chúa Giê-xu trên những người chung quanh nhằm giúp họ nhận biết Đức Chúa Trời và tình yêu của Ngài. Trong Chúa Giê-xu, chúng ta tìm được sự bình an đời đời; có được ý nghĩa sống, và được tự do đối với danh - lợi - quyền - lạc thú của thế gian. Tuy nhiên, chính trong Ê-phê-sô 4:17-24, Phao-lô cũng đã nhân danh Chúa “khuyên nài anh em đừng tiếp tục sống như người ngoại nữa, vì họ sống theo ý tưởng hư không của mình.” Cuộc đời mới của Cơ Đốc nhân là tiến trình từng ngày từ bỏ sự sống cũ để lớn lên trong sự sống mới. Một hoàn cảnh hay sự kiện nào đó có thể khiến nẩy sinh trong lòng chúng ta những ước muốn. Chúng ta cần “nhờ Thánh Linh đổi mới tâm trí anh em, và mặc lấy người mới, là người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời trong chân lý công chính và thánh khiết.” Dựa vào Kinh Thánh, là “chân lý công chính và thánh khiết” mà Đức Thánh Linh đã gieo trồng trong tâm trí của mình (xem Gia-cơ 1:21), chúng ta sẽ nhận ra ước muốn của chúng ta có thích hợp với ý muốn và đường lối của Đức Chúa Trời, hay đến từ “ý tưởng hư không“ và “ham muốn dối trá” của con người cũ. Nhận biết ý muốn và đường lối của Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta tránh xa sự cám dỗ và chào đón sự thử thách “như là điều vui mừng trọn vẹn” Đức Chúa Trời ban cho để giúp mình lớn mạnh trong sự sống của con Đức Chúa Trời (Gia-cơ 1:2).

SA-TAN CÁM DỖ CHÚNG TA BẰNG CÁCH NÀO?

Trong khi Đức Thánh Linh dùng Lời của Đức Chúa Trời giúp chúng ta vượt qua thử thách; Sa-tan bóp méo, xuyên tạc Lời của Đức Chúa Trời để cám dỗ chúng ta chiều theo ước muốn của mình thay vì vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời (Minh chứng trong câu chuyện Sa-tan cám dỗ Ê-va và cám dỗ Chúa Giê-xu). Không hiểu hoặc hiểu sai Kinh Thánh, chúng ta sẽ ‘hợp lý hóa’ những ham muốn của mình, xem như là những nhu cầu chính đáng mà chúng ta xứng đáng được hưởng. Khi những ham muốn này không được đáp ứng, chúng ta sẽ nghi ngờ tình yêu và quyền năng của Đức Chúa Trời; sẽ ngã lòng, lo lắng, sợ hải. Lúc này, vì thiếu đức tin và (hoặc) thiếu tình yêu chúng ta đã trục trặc trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời rồi (Xem Rô-ma 14:23; I Giăng 4:18). Nếu không từ bỏ ý riêng, mà cứ giữ mãi sự ham muốn trong tâm trí, trong tấm lòng; chúng ta sẽ tìm cách thỏa mãn sự ham muốn đó bất chấp ý muốn của Đức Chúa Trời và quyền lợi của người khác. Thế là chúng ta đã thất bại trước cám dỗ và sa vào tội lỗi.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA THỬ THÁCH, CHIẾN THẮNG CÁM DỖ?

Trong thư thứ nhất của mình, Giăng nói: “Ta viết cho các con những điều nầy để các con không phạm tội. I Giăng 2:12-17 cho biết điều kiện và bí quyết để chiến thắng cám dỗ và vượt qua thử thách.

I Giăng 2:12-14 cho biết chúng ta ĐÃ chiến thắng ma quỷ vì…

  1. ĐÃ NHỜ DANH CỦA CHÚA GIÊ-XU MÀ ĐƯỢC THA THỨ. Con người ở trong tội lỗi, ‘còn thù nghịch cùng Đức Chúa Trời’ (Rô-ma 5:19). không thể đối đầu với Sa-tan! Chỉ nhờ tin nhận Chúa Giê-xu, trở nên con của Đức Chúa Trời, chúng ta mới có sự trợ giúp thiên thượng để chiến thắng Sa-tan.

  2. BIẾT ĐẤNG HIỆN HỮU TỪ BAN ĐẦU LÀ CHA. Nhờ Đức Thánh Linh, chúng ta có đức tin và tâm thức của con Đức Chúa Trời. (Xem Rô-ma 8:14-17). Chúng ta sẽ thoát được tâm thức của ‘tín đồ tôn giáo’ (Ga-la-ti 4:4-6; 21-31), sẽ thôi theo ý riêng nổ lực bằng sức riêng nhọc nhằn vật lộn với bản ngã, mệt mõi cưỡng chống danh - lợi - quyền - lạc thú thế gian, khốn khổ chiến đấu với ma quỷ. Chúng ta sẽ vui thỏa trong tình yêu của Cha, yên nghĩ trong bàn tay bảo vệ chăm sóc của Cha, vì yêu Cha mà vui thích lắng nghe và vâng lời Cha. Như vậy, chúng ta ĐÃ chiến thắng Sa-tan rồi, không cần phải đương đầu với nó nữa.

  3. CÓ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI Ở TRONG: Sa-tan biến thử thách trở thành cám dỗ bằng cách bóp méo, xuyên tạc Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta khó lòng đối phó với Sa-tan nếu chỉ có kiến thức, giáo huấn Kinh Thánh (Rô-ma 7:6). Chúa Giê-xu là Ngôi Lời đã đem ân điển và chân lý đến (Giăng 1:14). Ngài ban Đức Thánh Linh ngự ngay trong lòng mỗi Cơ Đốc nhân để dẫn chúng ta vào mọi chân lý và dùng chân lý thánh hóa chúng ta (Giăng 8:40; 14:6, 16-17; 15:26; 16:13; 17:17-19). Khiêm nhường học Kinh Thánh với Đức Thánh Linh, và lấy Kinh Thánh làm chuẩn mực duy nhất cho mọi sự, chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách, chiến thắng mọi cám dỗ, vững vàng giữa phong ba bão táp của cuộc đời (Ma-thi-ơ 7:24-29).

I Giăng 2:15-17 – Giăng chỉ cho chúng ta bí quyết để vừa chào đón thử thánh vừa tránh xa cám dỗ.

  1. “Hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 10:27). Chúng ta đặt Đức Chúa Trời trước hết và trên hết mọi sự trong cuộc đời của mình.

  2. Vì kính mến Đức Chúa Trời, chúng ta “hoặc ăn, hoặc uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh quang của Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 10:31). Trong bất cứ việc gì, chúng ta cũng tìm biết ý muốn của Đức Chúa Trời và hết lòng làm theo ý muốn đó.

  3. Kiểm soát những ước muốn của mình, không để bị cuốn vào những dục vọng của bản tính tự nhiên của con người cũ (“dục vọng của xác thịt”) và “sự kiêu ngạo về cuộc sống”.

Giữ ba điều trên, chúng ta sẽ “phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời,” (Rô-ma 12:2); để chào đón khó khăn, nghịch cảnh như một cuộc thử thách lý thú Cha đem đến; đồng thời bịt tai với lừa dối của Sa-tan, nhắm mắt trước cám dỗ của thế gian. Chúng ta sẽ chiến thắng cám dỗ, vượt qua thử thách, “vì Đức Chúa Trời là Đấng đang hành động trong anh em, để anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

TẠI SAO CHÚA HỨA KHÔNG ĐỂ CÁC CON CỦA NGÀI BỊ THỬ THÁCH QUÁ SỨC, MÀ CÁC CƠ ĐỐC NHÂN VẪN THƯỜNG THẤT BẠI TRƯỚC CÁM DỖ?

Nếu một Cơ Đốc nhân có mối liên hệ cá nhân đúng đắn với Đức Chúa Trời, khao khát sống đẹp lòng Ngài, thì những thất bại trong sự cám dỗ vẫn có thể giúp họ vượt qua thử thách để được trưởng thành hơn. Khi đã phạm tội rồi mà ăn năn, chúng ta vẫn không những phục hồi mối liên hệ với Cha mà còn được trưởng thành hơn sau khi vấp ngã. Chúng ta vẫn giữ được mối liên hệ với Đức Chúa Trời, vẫn sống trong tình yêu của Ngài. Qua những yếu đuối thất bại chúng ta lại biết ơn Chúa hơn, càng thêm đức tin, thêm yêu mến Chúa, thêm hiểu biết và kinh nghiệm sống cho Chúa. Chúng ta cũng sẽ khiêm nhường hơn, cảm thông hơn, nhịn nhục, bao dung và có thiện chí với người khác dễ hơn (I Cô-rinh-tô 13:4-7). Một Cơ Đốc nhân thật lòng ăn năn, thuận phục uy quyền, tìm kiếm sự tha thứ và biết ơn Cha về phước lành cũng như sự sửa dạy; không những sẽ hóa giải được những vấp phạm chính mình đã gây ra, mà còn qua những gì xãy đến cho mình giúp cho người khác nhận biết Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài. Như vậy, lúc đầu dường như ma quỉ đã thành công trong việc cám dỗ con của Đức Chúa Trời, nhưng trong sự kiểm soát của Đức Chúa Trời, Sa-tan đã bị ‘gậy ông đập lưng ông’, đã thua từ chính đòn tấn công của nó.

Đức Chúa Trời vẫn cho phép Sa-tan cám dỗ và vẫn để cho các con của Ngài bị thất bại. Dầu vậy, chúng ta đừng thử Đức Chúa Trời, tự mình đi tìm thử thách và liều mình đương đầu với cám dỗ (Ma-thi-ơ 4:7; I Cô-rinh-tô 10:12). Gia-cơ nói: "khi dục vọng đã cưu mang thì sinh ra tội lỗi; tội lỗi đã trưởng thành thì sinh ra sự chết." (Gia-cơ 1:15). Sa-tan rất xảo quyệt. Tôi lỗi rất đáng sợ. Chúng ta hãy tránh xa tội lỗi bằng cách bỏ vứt bỏ những “ý tưởng hư không và ham muốn dối trá.” Nếu đã phạm tội, chúng ta cần ăn năn, xưng tội ngay và nhờ cậy Chúa để từ bỏ những tội lỗi đó.

Trong khi Sa-tan lợi dụng sự thử thách để cám dỗ các con của Chúa, thì Chúa đã kiểm soát sự cám dỗ để huấn luyện họ. Có thể chúng ta đã bị vấp ngã và sẽ còn nhiều lần vấp ngã nữa. Nhưng “Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, Ngài không để anh em bị thử thách quá sức mình đâu! Nhưng trong thử thách, Ngài sẽ mở đường cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” (I Cô-rinh-tô 10:13). Vậy nên, mỗi lần ngã xuống, chúng ta hãy đứng lên, “vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương mà kiên trì theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta” (Hê-bơ-rơ 12:1), dành lấy chiến thắng chung cuộc và “nhận mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho những người yêu mến Ngài.” (Gia-cơ 1:12).


Comments


bottom of page