Hỏi: Trong Hội Thánh của tôi có người nói rằng đi đến nhà thờ để thờ phượng vào ngày Chúa Nhật là sai luật Ngày Sa-bát trong Kinh thánh. Phải nhóm ngày thứ bảy mới đúng.
Đáp: Kinh thánh có luật về Ngày Sa-bát, buộc dân I-sơ-ra-ên phải tuân giữ rất nghiêm ngặt. Ngày thứ bảy dương lịch đúng là ngày Sa-bát của lịch Do-thái. Dầu dân I-sơ-ra-ên được dạy nhóm lại thờ phượng Đức Chúa Trời vào ngày Sa-bát (Lê-vi ký 23:3), nhưng luật Sa-bát không nhằm định ra ngày thờ phượng Đức Chúa Trời.
Chữ Sa-bát vốn có nghĩa là ‘Thôi Làm’.
Luật ngày Sa-bát nêu trong 10 điều răn có kèm theo hướng dẫn chi tiết là mọi người trong dân I-sơ-ra-ên “đều không được làm bất cứ công việc gì cả.” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:10. Xem thêm Phục 5:14.)
Một người Do-thái không đến Đền Thờ hay Nhà Hội để thờ phượng Đức Chúa Trời vào ngày Sa-bát thì không bị kết tội. Nhưng bất cứ ai, nếu làm bất cứ một công việc nào khác vào ngày đó, như là chỉ đi lượm củi, thì bị kết án! (Xuất Ê-díp-tô ký 31:14; Dân 15:32-36. Ma-thi-ơ 12:1,2.)
Hỏi: Nếu thờ phượng Đức Chúa Trời không phải là mục đích của ngày Sa-bát thì tại sao có luật Sa-bát.
Đáp: Đức Chúa Trời dạy dành riêng một ngày trong một tuần là để nghỉ ngơi “hầu cho được dưỡng sức lại.” (Xuất Ê-díp-tô ký 23:12.)
Việc nghỉ ngơi để cho sức lực được hồi phục lại là quyền lợi và trách nhiệm của mọi tạo vật được Đức Chúa Trời dựng nên. Một người I-sơ-ra-ên có trách nhiệm phải tuân giữ ngày Sa-bát, để làm sao cho mọi người, kể cả ‘con trai của người đầy tớ gái và khách ngoại bang - và mọi vật, bò lừa, đất đai (trong mỗi 7 năm được nghỉ 1 năm)… ở dưới quyền của mình phải được hưởng quyền lợi ấy.
Việc nghỉ lấy lại sức quan trọng đến mức Kinh thánh lấy chính Đức Chúa Trời làm kiểu mẫu: “Vì Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời và đất trong sáu ngày, qua ngày thứ bảy Ngài nghỉ và lấy sức lại.” (Xu 31:17.)
Nghỉ dưỡng là yêu cầu tuyệt đối. “Ấy là một dấu đời đời cho ta cùng dân Y-sơ-ra-ên.” (Xu 31:17.) Nếu dân I-sơ-ra-ên không để cho đất nghỉ ngơi thì Ngài sẽ đuổi họ ra khỏi Xứ Thánh, “tản lạc họ trong đất của kẻ thù nghịch.” “Khi đó đất sẽ được an nghỉ hưởng những năm sa-bát; vì lúc các ngươi còn ở đất đó, nó không được an nghỉ.” (Lê-vi ký 26:33-35.)
Hỏi: Điều răn thứ ba: “Hãy nhớ ngày nghỉ để giữ làm ngày thánh”, không phải là đặt trọng tâm mối liên hệ với Đức Chúa Trời và nhấn mạnh đến sự thờ phượng sao?
Đáp: Thánh hóa ngày nghỉ đúng là nói đến mối liên hệ với Đức Chúa Trời và chính là sự thờ phượng. Vấn đề nằm ở chỗ điều răn thứ ba không qui định thứ bảy là ngày thờ phượng.
Việc dành ngày thứ bảy trong tuần để nghỉ dưỡng sức có rất lâu trước khi luật Sa-bát được ban hành. (Sáng thế ký 2:2-3; Xuất Ê-díp-tô ký 16:22-30.) Còn sự thờ phượng tập thể chỉ được tổ chức sau khi luật pháp được ban hành tại núi Si-nai.
Khi ban hành luật Sa-bát, việc nghỉ để lấy sức được hướng dẫn và nhấn mạnh rất rõ ràng. (Xuất Ê-díp-tô ký 20:8-10.)
Qui định nhóm thờ phượng vào ngày Sa-bát được đưa ra sau khi luật Sa-bát đã được ban hành. Qui định này nằm trong nhóm qui định về các kỳ lễ hội. (Lê-vi ký 23:1-4.) Như vậy, việc nghỉ dưỡng là chính, còn việc nhóm lại để thờ phượng là một phần trong sự nghỉ dưỡng đó. Chứ không phải thờ phượng là chính và nghỉ làm việc là nhằm mục đích để dành thời gian cho việc nhóm lại thờ phượng.
Trong 10 điều răn, thờ phượng đúng là quan trọng nhất và đã được đặt lên hàng đầu, ngay trong điều răn đầu tiên: “Trước mặt Ta con không được có các thần nào khác. Con không được làm cho mình một thần tượng nào…” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:2-3.) Sự thờ phượng là bản chất mối liên hệ giữa loài người với Đức Chúa Trời, chiếm giữ toàn bộ mối liên hệ đó, chứ không phải chỉ là một phương diện hay một phần của mối liên hệ. Trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời thì toàn bộ con người, với tất cả các phương diện của con người, trong mọi hoạt động, mọi nơi, mọi lúc đều phải là thờ phượng Đức Chúa Trời. Lấy ngày nghỉ làm phương tiện thuận lợi để nhóm lại, cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời, là việc tốt. Nhưng nếu qui định dành ra một ngày để thờ phượng Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ bị lừa dối và tự cho phép mình dùng những ngày còn lại cho riêng mình, thay vì đặt Đức Chúa Trời ở chỗ cao nhất ở mọi nơi, vào mọi lúc, trong mọi việc của cuộc đời mình.
Hỏi: Nghỉ dưỡng thì có liên quan gì đến vấn đề tâm linh? Vì sao luật Sa-bát lại đặt nặng việc nghỉ dưỡng đến thế?
Đáp: Chúng ta xem việc nghỉ để lấy lại sức là biểu hiện sự giới hạn. Chúng ta thường mong muốn thoát khỏi giới hạn, nên không thấy giá trị của việc nghỉ dưỡng. Nhưng theo Kinh thánh dạy, mà chúng ta rất dễ quan sát thấy trong tự nhiên, thì nghỉ để hồi phục là qui luật sống và vận động của mọi tạo vật mà Đức Chúa Trời đã dựng nên. Để sống và động, mỗi một hữu thể phải nhận năng lượng từ hữu thể khác. Rồi do hoạt động của mình mà cung cấp năng lượng cho một hay nhiều hữu thể khác nữa. Sau mỗi giai đoạn hoạt động thì phải có giai đoạn nghỉ ngơi và tái nạp năng lượng đã tiêu hao. Mỗi một cá thể đều phụ thuộc vào toàn bộ vũ trụ trong quá trình này. Nhờ Đức Chúa Trời mà muôn vật có, sống và động (Công Vụ 17:28.) Mọi nguồn lực để duy trì sự tồn tại và vận hành của vũ trụ, muôn vật cũng đều đến từ Đức Chúa Trời. (Công Vụ 17:24.) Vì vậy, quá trình nhận lãnh và ban cho của muôn vật đã duy trì toàn bộ vũ trụ trong một mối liên hệ chặc chẽ với Đức Chúa Trời và với nhau. Không giữ đúng qui luật sẽ phá vỡ sự hài hòa trong mối liên hệ của muôn vật với nhau và sự hài hòa với Đức Chúa Trời.
Đến đây, chắc chúng ta cũng đã nhận thấy tính chất thuộc linh của luật Sa-bát:
Luật Sa-bát phát xuất từ tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người. Dầu sự khôn ngoan của loài người chưa đủ để ý thức được qui luật của vũ trụ, thì con dân của Chúa nhờ sự tuân thủ luật Sa-bát, được sống cuộc đời mình cách vui thỏa, trong thế giới mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Chúa Giê-xu phán: “Ngày sa-bát được tạo nên vì loài người, chứ không phải loài người được tạo nên vì ngày sa-bát.” (Mác 2:27.)
Giữ luật Sa-bát là thừa nhận quyền uy và sự phụ thuộc vào Đức Chúa Trời, là Đấng mà nhờ Ngài, chúng ta mới có, mới sống và động. (Công Vụ 17:24, 28.)
Giữ luật Sa-bát là bày tỏ lòng tin cậy và phó thác trong mối liên hệ giao ước với Đức Chúa Trời. (Xuất Ê-díp-tô ký 16:29-30, xem bối cảnh từ câu 16; Lê-vi ký 25:18-22.)
Giữ luật Sa-bát là thực hiện trách nhiệm của chúng ta với những người, vật có mối liên hệ với chúng ta và với vùng đất mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Cũng như A-đam được giao chăm sóc (trồng) và bảo vệ (giữ) vườn Ê-đen. Chúng ta cũng có một vườn Ê-đen của riêng mình mà chúng ta cần có hành động phù hợp với qui luật sự sống của Đức Chúa Trời, sao cho khu vườn ấy là một nơi mọi người, mọi vật sống trong đó được vui hưởng bình an và hạnh phúc. (Sáng thế ký 2:1-3, 7, 15; Xuất Ê-díp-tô ký 23:10-12.)
Luật Sa-bát bắt nguồn từ qui luật sự sống chi phối mối liên hệ của một cá nhân với Đấng Tạo Hóa và với tất cả tạo vật khác chung quanh mình. Đã biết luật này mà không tuân giữ thì đã phạm một hoặc cả hai tội:
(1) Vô tín: Người ta gắng sức làm lụng, không dám nghỉ ngơi thường là vì sợ rằng không làm thì sẽ không đủ ăn. Người không tuân giữ luật Sa-bát đã không tin Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc mình như Ngài đã hứa.
(2) Tham lam vô độ: Từ chối luật Sa-bát là lạm dụng những gì Đức Chúa Trời ban cho mình, bóc lột sức lao động của người khác nữa để thỏa mãn cho lòng tham muốn không có giới hạn của mình. Người như thế đã xem của cải vật chất trọng hơn mối liên hệ với Đức Chúa Trời và mối liên hệ với người khác.
Gốc rễ của những tội này chính là bản chất của con người sa ngã: lòng ích kỉ và kiêu ngạo! Chính vì thế, luật Sa-bát là điều răn thứ ba, trong ba điều răn về mối liên hệ với Đức Chúa Trời, đặt trước các điều răn về mối liên hệ giữa loài người với nhau.
Hỏi: Nếu luật Sa-bát quan trọng và có ý nghĩa đến thế, Hội Thánh ngày nay cũng cần phải dạy và tuân giữ luật Sa-bát chứ?
Đáp: Chúng ta nên tuân giữ qui luật sự sống về sự nghỉ ngơi để phục hồi và làm tươi mới mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời, với người khác và với cả thế giới quanh mình. Nhưng nếu nói về việc tuân giữ luật Sa-bát, chúng ta cần lưu ý đến nhiều vấn đề:
Luật pháp, điều răn là thánh, công bình và tốt lành, (Rô-ma 7:12,). Nhưng chỉ là phương tiện tạm thời, để dẫn loài người đến với Chúa Giê-xu. (Ga-la-ti 3:24-26.) Chính Chúa Giê-xu mới là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Chúa Giê-xu thì không ai được đến với Cha. (Giăng 14:6.) Nếu đã nhờ đức tin dựa vào ân điển của Chúa Giê-xu để được làm con của Đức Chúa Trời rồi, chúng ta nên tiếp tục nhờ đức tin nơi Chúa Giê-xu mà sống đời sống con Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 3:11.) Đặt vấn đề giữ luật Sa-bát là đã quay lui lại, bám giữ vào phương tiện tạm thời, khiến cho chúng ta không nương nhờ ân điển đề sống với sự sống do Đức Thánh Linh vận hành. Chắc chắn chúng ta sẽ thất bại. (Ga-la-ti 3:1-3.) Bạn cần phải ngồi vững trên thuyền để qua sông. Nhưng khi đã đi đến bờ bên kia rồi, thì cần phải buông tay, bỏ thuyền, để tiếp tục tiến bước trên Con Đường Chân Lý Sự Sống.
Luật pháp giúp có kiến thức để phân biệt đúng – sai, tốt – xấu. Nhưng không giúp cảm hiểu được tấm lòng của Đức Chúa Trời và giúp sống đúng như ý Cha trên trời muốn. (Sáng thế ký 2:9, 16-17.) Chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài, (Phi-líp 2:13,) bằng cách qua ân điển của Chúa Giê-xu mà ban Thánh Linh Sự Sống cho chúng ta, “để sự công chính mà luật pháp đòi hỏi được thực hiện đầy đủ trong chúng ta, là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh.” (Rô-ma 8:2-4.) Khi việc sống đạo là phải tuân giữ điều răn hay luật lệ. Chúng ta sẽ sống theo xác thịt. Nhờ vào sức riêng. Thay vì lấy đức tin để sống theo Thánh Linh. Đời sống tin hữu sống dưới ách Luật Pháp như vậy thật nặng nề, mệt mõi và không thể tránh khỏi thất bại. (Ga-la-ti 3:10-14.)
Sống theo Thánh Linh sự sống, chúng ta sẽ được Chúa Thánh Linh hướng dẫn sống đúng ý muốn của Đức Chúa Trời. Còn tuân giữ điều răn luật lệ, chúng ta dễ mắc phải sai lầm của người Do-thái xưa, tuân giữ cứng nhắc câu chữ của Luật pháp mà lại không thật sự giữ đúng ý muốn của Đức Chúa Trời tỏ bày qua Kinh thánh. (Ma-thi-ơ 12:1-8.) Hậu quả là thay vì sống thỏa vui trong tình yêu của Cha trên trời, chúng ta sống cuộc đời khổ hạnh mà không tìm được phước trong sự mình vâng lời. (Gia-cơ 1:25. Mác 10:17-31.)
Hội Thánh địa phương áp dụng luật Sa-bát sẽ làm mất sức sống của Hội Thánh.
- Hội Thánh là cộng đoàn gắn kết trong Chúa Giê-xu. Tình yêu thương là điều răn, và cũng là phương tiện duy nhất mà Hội Thánh phải hết lòng tìm kiếm, để nhờ đó mà gây dựng Hội Thánh. (Giăng 13:34; 1Giăng 2:7-8. 1Cô-rinh-tô 12:31 - 13 - 14:1.) Đề ra, tập chú vào các điều răn luật lệ khác sẽ làm Hội Thánh sai lệch khỏi những giá trị nồng cốt và dần dần làm cho Hội Thánh mất sức sống.
- Những tín hữu chưa kinh nghiệm mối tương giao cá nhân với Đức Chúa Trời, chưa sâu nhiệm trong đạo ân điển sẽ trở nên những tín đồ tôn giáo dựa vào công đức riêng để tìm sự phù hộ ban phước của Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 4:10-11.)
- Những tín hữu chưa trưởng thành không mang nổi ách luật pháp (Công Vụ 15:10.) vì thất bại và thất vọng trong nổ lực tuân giữ luật lệ, sẽ nãn lòng và không còn cố gắng tìm kiếm đời sống sung mãn và đắc thắng của Cơ-đốc nhân nữa. Họ sẽ trở nên những tín hữu thụ động, thậm chí là tiêu cực trong các Hội Thánh.
- Nhiều người ngược lại, khi giữ được một số luật lệ đã sinh ra kiêu ngạo thuộc linh, trở nên giả hình, hay xét đoán, chỉ trích người khác. (Lu-ca 6:7-11; 13:10-17.)
Hỏi: Có phải luật Sa-bát chỉ liên quan đến dân I-sơ-ra-ên thời Cựu Ước, còn Cơ-đốc nhân ngày nay không cần phải bận tâm về luật Sa-bát?
Đáp: Chính Cơ-đốc nhân ngày nay mới là những người có điều kiện sống đúng luật Sa-bát đích thực của Đức Chúa Trời. Hê-bơ-rơ đoạn 4 công bố Tin Lành về ngày Sa-bát cho chúng ta:
Ngày Sa-bát đích thật là ngày thứ bảy của Đức Chúa Trời. Sau khi dựng nên trời đất trong 6 ngày, thì Ngài nghỉ. Tất nhiên không phải vì mệt! mà là vì Đức Chúa Trời đã hoàn tất cách hoàn hảo mọi việc. Sa-bát của Đức Chúa Trời là sự yên nghỉ đời đời. (C. 3-4.)
Khi phạm tội, loài người không còn được vui hưởng cuộc sống bình an, phước hạnh trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời nữa. Họ phải trả giá cho tội lỗi, làm đỗ mồ hôi trán mới có mà ăn. Nhưng có tin lành là sẽ đến một ngày, Đức Chúa Trời bởi tình yêu và ân sủng của Ngài sẽ cho phép những người tin cậy Ngài được yên nghĩ. (C.10, 2, 6.)
Qui định Sa-bát là nếm trước sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời. Giữ luật Sa-bát, người thuộc về Chúa sẽ được vui hưởng sự chăm sóc, bảo vệ của Ngài, mà không phải lo đến việc trả giá cho tội lỗi. Khi đón nhận luật Sa-bát được ban hành trong hoang mạc, dân I-sơ-ra-ên trông đợi sẽ được vui hưởng sự yên nghỉ trong sự chăm sóc và bảo vệ của Đức Chúa Trời tại Đất Hứa. Thế hệ vô tín đã không được vào. Nhưng thư Hê-bơ-rơ nói dầu Giô-suê đã đưa Tuyển Dân vào được Đất Hứa, nhưng hiện nay, vẫn chưa đến ngày yên nghỉ thực sự của Đức Chúa Trời. (C.8-10.)
Điều kiện để vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời là Đức Tin. Sự cứng lòng của dân I-sơ-ra-ên xưa là tấm gương cảnh cáo cho Cơ-đốc nhân ngày nay. Hiện nay, chúng ta vẫn đang chờ đến Ngày Yên Nghỉ của Đức Chúa Trời, khi Chúa Cứu Thế hiện đến và đưa chúng ta vào Vương Quốc Bình An của Ngài. Việc chúng ta có được vui hưởng sự an nghỉ cũng như “hưởng sự vui mừng của Chúa” chúng ta hay không, thì còn phụ thuộc vào đức tin của chúng ta để sống trong cuộc đời tạm này cho đúng với ý muốn của Cha như thế nào. (Hê-bơ-rơ 4:11-16; Ma-thi-ơ 7:21-29.)
Sống đúng tinh thần Sa-bát thật sự, như Chúa Giê-xu dạy, đó là…
- Lấy đức tin nương nhờ ân điển của Chúa Con để vui hưởng tình yêu, sự chăm sóc, và bảo vệ của Cha. (Xuất Ê-díp-tô ký 16:29-30; Mác 2:27.)
- Dành đủ thời gian để giúp chính mình tăng trưởng trong sự sống thuộc linh và làm tươi mới mối liên hệ với Đức Chúa Trời và với người khác.
- Nhận lấy trách nhiệm giúp cho người lân cận của mình cũng được vui hưởng tình yêu của Cha như thế. (Xuất Ê-díp-tô ký 23:10-12; Lu-ca 13:10-17; Ma-thi-ơ 22:37-40; Lu-ca 10:25-37; Ma-thi-ơ 12:7-8.)
- Cùng nhau góp phần xây dựng và mở rộng mối liên hệ trong tình yêu với Đức Chúa Trời và với nhau trong Chúa Giê-xu khắp thế gian, để chuẩn bị cho Ngày Của Đức Giê-hô-va, cũng là Ngày Yên Nghỉ khi Chúa Giê-xu trở lại thành lập Vương Quốc Bình An trên đất này. (Hê-bơ-rơ 4:11; Ma-thi-ơ 7:21-29; 25:14-46.)
Commenti