HỎI: Em sinh ra, lớn lên trong một gia đình tin kính, sinh hoạt gắn bó trung tín với một Hội Thánh gần nhà. Càng lớn, càng học Kinh Thánh nhiều, em lại càng thất vọng về Hội Thánh nhà. Hội Thánh còn tệ hơn các tổ chức ngoài đời! Em nghĩ Hội Thánh này không phải là Hội Thánh thật. Em đọc 2Cô-rinh-tô dạy phải phân rẽ, ra khỏi Hội Thánh đó. Em không làm được, một phần vì em không đủ can đảm, nhưng phần lớn là vì em không thấy một Hội Thánh thật nào trong vùng em ở. Em phải làm thế nào?
ĐÁP: Lúc Chúa Giê-xu đến thế gian, xứ Pa-lét-tin là Đất Thánh và dân Y-sơ-ra-ên là Hội chúng của Đức Chúa Trời. Theo Kinh Thánh (Cựu Ước) đã dạy, họ chờ đợi Chúa Cứu Thế (Đấng Mê-si-a) đến để lập Vương Quốc của Đức Chúa Trời trên đất. Tuy nhiên, giáo hội và quốc dân Do Thái suy đồi đạo đức tâm linh đến nổi nhiều người vẫn lầm tưởng rằng Do Thái giáo không phải là Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Trước khi thành lập và phát triển Hội Thánh theo giao ước mới, Chúa Giê-xu và những người theo Ngài đều là tín đồ của Hội Thánh theo giao ước cũ. Chúng ta có thể nhờ vào giáo huấn và gương mẫu của Chúa Giê-xu để biết cách sống đúng đường lối của Cha trên trời trong vai trò thuộc viên của một hội thánh trên đất.
1. GẮN BÓ VÀ SINH HOẠT TRUNG TÍN VỚI MỘT HỘI CHÚNG ĐỊA PHƯƠNG.
Một hội chúng địa phương bao gồm một hệ phái cũng như một nhóm tín hữu tại địa phương. (Khải-huyền 1:20-3:22.) Phân biệt với Hội Chúng Phổ Thông, là Hội Thánh thuộc linh bao gồm tất cả con dân của Đức Chúa Trời trên toàn thế giới. (Giăng 10:16.)
Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời. Nhưng khi được sai đến trần gian, Ngài “do một người nữ sinh ra dưới luật pháp” Do Thái giáo. (Ga-la-ti 4:4.) Ngay từ lúc mới sinh, Chúa Giê-xu đã làm trọn các bổn phận và trung tín tham gia những sinh hoạt của một tín đồ Do Thái giáo tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem cũng như tại Nhà Hội làng Na-xa-rét. (Lu-ca 2:21-24; 41-42; 4:16; Giăng 2:13-17; 18:20.)
2. TÔN TRỌNG VÀ VÂNG PHỤC THẨM QUYỀN CỦA HỘI CHÚNG ĐỊA PHƯƠNG. - Mathiơ 23:1-3.
Là thẩm quyền của những người có trách nhiệm quản trị, cầu nguyện và giảng dạy, sao cho các thuộc viên trong hội chúng được vui hưởng cuộc sống trên đất, đúng theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
Chúa dạy chúng ta tôn trọng vâng phục những người lãnh đạo trong hội chúng vì chức vụ của họ chứ không phải vì khả năng hay đạo đức của cá nhân họ. Chúng ta không phán xét mà cũng không cần phải lo lắng về việc họ có xứng đáng là tôi tớ của Đức Chúa Trời hay không. “Chẳng có thẩm quyền nào mà không đến từ Đức Chúa Trời; các nhà cầm quyền hiện có đều do Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống đối nhà cầm quyền là chống lại mệnh lệnh Đức Chúa Trời đã lập; và những người làm vậy sẽ chuốc lấy sự phán xét cho mình.” (Rô-ma 13:1.) Vậy nên, vì tôn kính, tin cậy và vâng lời Đức Chúa Trời; hễ người nào được cộng đồng công nhận là người có trách nhiệm, thì chúng ta tôn trọng và vâng phục họ.
3. PHÂN BIỆT GIỮA TÍN LÝ VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA HỘI CHÚNG ĐỊA PHƯƠNG. – Mác 7:3-13.
Tín lý của một hội chúng địa phương là những gì hội chúng địa phương đó tin là Lời của Đức Chúa Trời phán dạy qua Kinh Thánh. Tín hữu ở trong hội chúng địa phương nào thì phải lấy tín lý của hội chúng địa phương đó làm tiêu chuẩn cho đức tin và đời sống của mình.
Truyền thống là những kinh nghiệm, những thói quen được nhiều người thực hiện trở thành tập quán, sau đó được gìn giữ và truyền dạy qua các thế hệ. Tập quán, truyền thống lâu đời sẽ trở thành tục lệ. Trong nhiều hội chúng, truyền thống trở thành luật lệ buộc hội chúng phải tuân giữ ngang hàng với tín lý.
Chúng ta cần phải…
Không được đặt truyền thống lên trên hay là ngang hàng với tín lý.
Giữ truyền thống có suy xét. Những truyền thống phù hợp với Kinh Thánh thì nên giữ. Truyền thống nào không trái Kinh Thánh thì tùy theo hoàn cảnh thực tế của hội chúng địa phương mà giữ hay bỏ, cốt yếu sao cho gây dựng được hội chúng trong tình yêu thương và sự hiệp một. Còn truyền thống trái Kinh Thánh thì phải bỏ đi.
Không để truyền thống của hội chúng địa phương cản trở sự hiệp thông của Hội Chúng Phổ Thông.
4. PHÂN BIỆT GIỮA CHÂN LÝ VÀ TÍN LÝ. – Rô-ma 14:5-12. Giăng 4:19-24.
Chân lý là điều Đức Thánh Linh đã dạy cho Hội Chúng của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh. Chân lý đúng cho mọi người, ở mọi nơi, vào mọi lúc. Chân lý không thể…
Thay đổi,
Thêm hay bớt,
Pha trộn.
Tất cả con dân của Đức Chúa Trời, tất cả môn đồ của Chúa Giê-xu phải tuyệt đối vâng phục và bảo vệ chân lý. Không được thỏa hiệp vì bất cứ lý do gì.
Tín lý là cách giải thích và áp dụng Kinh Thánh của các hội chúng địa phương. Các hội chúng địa phương khác nhau có thể có những tín lý khác nhau.
Do điểm nhấn mạnh khác nhau. Vd: Sự tể trị của của Đức Chúa Trời và quyền tự do của loài người.
Do có nhiều cách giải nghĩa có sức thuyết phục tương đối ngang nhau. Vd: Sự cứu rỗi có thể mất hay không?
Do vấn đề vượt quá trí hiểu của loài người. Vd: Giáo lý Ba Ngôi.
Do vấn đề không được Kinh Thánh nói rõ. Ai muốn tin như thế nào đó cũng được. Vd: Tận thế; Đời sau.
Chúng ta không thể hiểu hết được ý tưởng của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta tin chắc rằng Ngài có lý do tốt lành để giấu kín chúng ta một số điều; và để cho chúng ta ở trong tình trạng mơ hồ, hoài nghi và bất đồng trong nhiều điều khác. Cha đã ban Kinh Thánh, là chân lý để thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17.) Nhưng chúng ta còn cần ân điển Chúa Giê-xu để được Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào mọi chân lý (Giăng 16:13.) Đức Thánh Linh hành động trong mỗi cá nhân là để gắn kết lại và gây dựng lẫn nhau trong Hội Chúng. Tách rời Hội Chúng, chúng ta không thể nào khám phá chân lý và được khai phóng nhờ chân lý. (Giăng 8:31-32; Ê-phê-sô 4:1-16.) Người nào cho rằng mình hoặc phái nhóm của mình có chân lý, rồi bài bác các quan điểm khác, thì người đó đã tự tỏ ra là không có chân lý và không sống theo chân lý rồi. (1Cô-rinh-tô 1:26-30; 2:10-16; 3:16-21; 4:5.)
Điều gì Hội Chúng Phổ Thông cùng tin thì chúng ta xem là chân lý. Chân lý sẽ gắn kết Hội Chúng của Đức Chúa Trời lại và tách Hội chúng ra khỏi thế gian. Điều gì còn đang tranh cãi giữa các hội chúng địa phương, chúng ta cần giữ như là những tín lý. Khi đã xem điều gì là tín lý, thì “mỗi người hãy tin chắc ở trí của mình.” Nhưng chúng ta “chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ.” Anh chị em trong Chúa Giê-xu phải chấp nhận những người có sự tin quyết khác với mình, không chỉ trích họ và không tranh luận về quan điểm khác nhau. (Rô-ma 14:1-6.)
Phân biệt được rạch ròi giữa chân lý và tín lý không phải là việc dễ dàng. Nhưng có một nguyên tắc rất rõ ràng: “Nhưng sự hiểu biết sinh kiêu căng, còn tình yêu thương thì xây dựng. Nếu có ai tưởng rằng mình biết điều gì thì người ấy chưa thật sự biết như cần phải biết. Nhưng nếu ai yêu mến Đức Chúa Trời thì Ngài biết người ấy.” (1Cô-rinh-tô 8:1-3.) Chúng ta phải đặt tình yêu thương và sự hiệp một của Hội Chúng lên trên tất cả. (1Cô-rinh-tô 13:13.) Chức vụ, tri thức, ân tứ, công việc, tín lý, thần học v.v… thậm chí đức tin và hi vọng. Chúng ta cũng không để cho bất cứ điều gì làm mất đi tình huynh đệ giữa chúng ta và làm chúng ta thất bại trong việc bày tỏ tình huynh đệ ấy ra giữa thế gian này vì Chúa của chúng ta. (Giăng 13:34-35; Rô-ma 13:8-10; 1Côr 13:1-3,13.)
5. CHỦ ĐỘNG KẾT NỐI HIỆP THÔNG TRONG HỘI CHÚNG PHỔ THÔNG; mở rộng ra khỏi biên giới của các hội chúng địa phương. (Giăng 4:1-54.)
Theo 5 bước kết nối của Chúa Giê-xu.
1) Chủ động vượt qua rào cản định kiến, khác biệt, bất đồng, xung đột, thù nghịch.
2) Kết thân.
3) Kết tình huynh đệ.
4) Gây dựng lẫn nhau.
5) Cùng nhau phục vụ.
Khi chúng ta chính thức là thành viên của một hội thánh địa phương, thì Hội Thánh đó là gia đình thuộc linh của chúng ta. Các tín hữu là anh chị em cùng một Cha trên trời của chúng ta. Dầu gia đình thuộc linh của chúng ta có ra sao đi nữa, chúng ta cũng không thể chối bỏ mối liên hệ với anh chị em của mình. Theo giáo huấn và gương mẫu của Chúa Giê-xu, chúng ta trung tín đi trong đường lối của Cha trên trời, rồi thì “phước hạnh và sự thương xót của Đức Chúa Trời sẽ đi theo chúng ta; chúng ta sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài.” (Thi-thiên 23:6.)
NĂM NGUYÊN TẮC CỦA CHÚA GIÊ-XU ĐỐI VỚI HỘI CHÚNG
Gắn bó và sinh hoạt trung tín với MỘT hội chúng địa phương.
Tôn trọng và vâng phục thẩm quyền của hội chúng địa phương.
Phân biệt giữa tín lý và truyền thống của hội chúng địa phương.
Phân biệt giữa chân lý và tín lý.
Chủ động kết nối hiệp thông trong Hội Chúng Phổ Thông mà không bị rào cản do những khác biệt của các hội chúng địa phương.
Tôi nhận thấy câu trả lời không thỏa đáng, nhất là người lãnh đạo Hội thánh không gương mẫu, không đúng tiêu chuẩn của người giám mục ( I Ti-mô-thê 3:1-13) Như vậy người lãnh đạo cần phải không chỗ trách được. Ngày nay rất nhiều HT Chúa cần phải chấn chỉnh, nếu không sẽ trỏ thành Hội Thánh Giả hình nói một đường làm một nẻo..
Đức Phạm