top of page
Ảnh của tác giảBầy Nhỏ

Giải Đáp Kinh Thánh: "Ai là người cao trọng hơn hết trong Nước Thiên Đàng?"

Đã cập nhật: 2 thg 12, 2023

HỎI: Câu "nếu các con không biến đổi và trở nên như con trẻ" có ý nghĩa gì? Làm thế nào để biến đổi trở nên như con trẻ?

ĐÁP: Lời Chúa Giê-xu dạy ở đây lấy từ Ma-thi-ơ 18:1-4 – “Lúc ấy các môn đồ đến hỏi Đức Chúa Jêsus rằng: ‘Ai là người cao trọng hơn hết trong vương quốc thiên đàng?’ Ngài gọi một đứa trẻ đến, để đứng giữa các môn đồ và phán: ‘Thật, Ta bảo các con, nếu các con không biến đổi và trở nên như con trẻ, các con sẽ không bao giờ được vào vương quốc thiên đàng đâu. Vậy, người nào khiêm nhường như đứa trẻ nầy sẽ là người cao trọng hơn hết trong vương quốc thiên đàng.’”

Lời dạy này là để trả lời cho câu hỏi "Ai là người cao trọng hơn hết trong Nước Thiên Đàng?" Chúa Giê-xu trả lời là trở nên như con trẻ mới được vào Nước Thiên Đàng; và khiêm nhường như đứa trẻ thì sẽ được cao trọng trong Nước Thiên Đàng.

Chúng ta hãy xem xét đứa trẻ khác với người lớn như thế nào. Người lớn khi đến với Đức Chúa Trời, mong được Ngài chấp nhận và được hưởng lấy Nước Thiên Đàng, thì luôn luôn lo lắng: Tôi có xứng đáng hay không? Tôi phải làm gì để được Đức Chúa Trời chấp nhận tôi và vui lòng cho tôi được vào Nước Thiên Đàng? Còn đứa trẻ thì biết là mình cần cha mẹ chăm sóc. Nếu không có cha mẹ hay một người lớn nào đó thì mình không thể sống được. Đứa trẻ không cần hiểu lý do tại sao cha mẹ chăm sóc nó. Nó biết là nó không thể làm gì hết. Nó chỉ bám níu lấy cha mẹ và trông chờ được cha mẹ nuôi nó, bảo vệ nó thôi.

Đến với Đức Chúa Trời theo cách của người lớn, chúng ta thường xem xét mình có đạt được những tiêu chuẩn, những điều kiện nào đó hay không. Đến với Đức Chúa Trời theo cách của người lớn thì không thể nào được hưởng Nước Trời. Vì Đức Chúa Trời thánh khiết và công bằng, nên bản chất tội lỗi từ A-đam và những tội lỗi mà mỗi một người đều đã phạm, khiến cho con người không thể nào đến gần Đức Chúa Trời và được Ngài chấp nhận. (Rô-ma 3:23; Ê-phê-sô 2:3.) Còn đến với Đức Chúa Trời như đứa trẻ thì lại nhận được ân điển qua sự hi sinh của Chúa Giê-xu, cho nên được Đức Chúa Trời tha tội cho, và kể là xứng đáng để được làm con của Ngài. (Ê-phê-sô 2:8; Rô-ma 8:30.)

Tìm kiếm sự cao trọng cũng vậy. Người lớn chú ý tới những việc mình làm, những gì mình có, rồi dựa vào đó để lượng định Đức Chúa Trời có hài lòng về mình hay không và Ngài sẵn lòng ban phước cho mình đến mức nào. Đứa trẻ thì đi tìm vinh hiển, cao trọng cho mình nơi tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ, (hoặc những người có quyền và trách nhiệm trên nó, như thầy cô, ông bà v.v...)

Theo cách người lớn, chúng ta sẽ nỗ lực bằng sức riêng để tìm kiếm vinh hiển theo ý riêng. Làm thế, chúng ta dễ bị chi phối bởi khôn ngoan, hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Chúng ta cũng khó tránh khỏi áp lực của người khác, của bối cảnh văn hóa, xã hội và hoàn cảnh thực tế của riêng mình. Những điều đó khiến cho chúng ta không nhận ra được ý muốn và đường lối của Đức Chúa Trời. Hậu quả là dầu có làm được gì và có cố gắng đến mấy, chúng ta cũng không bao giờ biết chắc được Đức Chúa Trời đã hài lòng hay chưa! Càng cố gắng, càng loay hoay, chạy tới chạy lui, chúng ta lại càng nếm trãi cảm giác thất vọng, căng thẳng, không bình an, thỏa lòng. (Chúa Giê-xu mô tả rất hay tình trạng này qua hình ảnh người anh cả trong Luca 15:11-32.) Trong lúc bối rối vì cảm giác thất vọng và căng thẳng, chúng ta lại biết rõ phải làm gì để được người ta tôn trọng và chúng ta cảm nhận rõ sự vinh hiển đến cho chúng ta từ loài người. Thế là dần dần chúng ta thôi tìm kiếm vinh hiển cao trọng nơi Đức Chúa Trời, mà xoay ra tìm thỏa mãn tạm thời từ vinh hiển và cao trọng mà loài người đem lại cho chúng ta. (Giăng 5:30,41,42,44.)

Đứa trẻ ý thức rằng muốn được khen thưởng thì phải làm hài lòng người lớn, theo đúng ý của người lớn, theo cách mà người lớn yêu cầu. Chứ không phải là nhờ dựa vào sức riêng, theo ý riêng và theo cách thức của mình. Đứa trẻ biết là sẽ gặp phải những điều không hay nếu tự làm gì theo ý mình. Nó ý thức rằng để được khen thưởng thì chỉ duy nhất là hạ mình, thuận phục và phó thác mình trong tay của cha mẹ. Điểm khác biệt đó là làm hài lòng Cha theo ý Cha, theo cách Cha và nhờ phương tiện của Cha; thay vì cố làm hài lòng Đức Chúa Trời theo cách nghĩ, cách làm của một người tín đồ theo tôn giáo để mong được Thần Linh ban phước.

Trở nên con trẻ đối với Đức Chúa Trời trước hết là từ bỏ lối suy nghĩ của một tín đồ theo một tôn giáo; cố gắng sống theo tiêu chuẩn đạo đức, làm nhiều công đức để hi vọng được phù hộ, ban phước. Thay vào đó, lấy đức tin nơi Lời Cha hứa và nhờ Chúa Thánh Linh biến đổi tâm trí, để sống bằng tâm thức của con cái Đức Chúa Trời. (Rô-ma 8:15-17, 12:1-2.) Bạn sẽ tự nhiên dễ dàng…

  • Tin cậy, vui hưởng tình yêu của Cha trên trời;

  • Hiểu lòng Cha, biết ý Cha;

  • Thích thú làm cho Cha vui lòng theo khả năng của mình; và

  • Trông chờ để được chính Cha khen thưởng …

... mà không cần phải mệt mỏi tìm kiếm phúc lợi, vinh hiển, tôn trọng tạm bợ từ đời này, kèm theo dư vị khó chịu bám lấy tâm hồn của bạn; phủ mờ bình an, niềm vui mà Chúa Cứu Thế đã ban cho bạn.

Comments


bottom of page