top of page
Ảnh của tác giảBầy Nhỏ

Giúp đọc Kinh Thánh - Sáng Thế Ký 15

Đã cập nhật: 10 thg 1, 2023

Đọc Sáng Thế Ký đoạn 15 tại đây.

(15:2) Tại sao một người nô lệ sẽ kế thừa Áp-ram trước cháu ông là Lót?

Áp-ram lo lắng về nhiều điều khác hơn là gia tài. Vấn đề làm ông lo gồm có sự duy trì tên tuổi ông trong lịch sử. Áp-ram có vẻ xem Lót mang tên người anh quá cố của ông là Ha-ran. Lót không thể duy trì cả hai tên Áp-ram và Ha-ran. Các nhà phả hệ học chỉ có thể liệt kê một tên, là tên của cha Lót. Phong tục vào thời điểm đó cho phép nô lệ được nhận làm con nuôi và người kế thừa. Người nô lệ sẽ chăm sóc cho cha mẹ nuôi của mình trong tuổi già, nhận tài sản khi họ qua đời và tiếp nối dòng dõi họ.

(15:5) Đếm các ngôi sao

Đây là một cách nói cường điệu. Không hiểu theo nghĩa đen, mà ý muốn truyền đạt là dòng dõi của Áp-ram sẽ đông đến mức không đếm được. Xem thêm 13:16 và mục: Kinh Thánh có thể phóng đại mà vẫn đúng thực được không? (2 Sử. 1:9-15).

(15:6) Đức tin của Áp-ram có gì đặc biệt?

Kinh Thánh đã dùng đức tin của Áp-ram làm gương mẫu cho tất cả chúng ta. (Xem ví dụ như Rô. 4; Ga. 3; Hê. 11; Gia. 2.) Điều đáng ngạc nhiên là Áp-ram chưa từng thấy Kinh Thánh, không có hội thánh, không theo một tín ngưỡng nào, chưa qua một nghi lễ nào, chưa nghe dù chỉ một trong Mười Điều Răn và biết rất ít về cuộc sống sau khi chết.
Thế nhưng, đức tin của Áp-ram đã chỉ cho chúng ta thấy điều gì thực sự quan trọng. Ông đã lắng nghe tiếng nói của Đức Chúa Trời và dám đặt niềm tin nơi Chúa một cách giản dị khi Ngài phán với ông. Áp-ram đã liều cả tính mạng mình, an ninh của mình, uy tín của mình, cả tương lai và thậm chí con của mình cho những lời đến từ một Đấng mà ông không thể thấy được nhưng đặt trọn niềm tin vào. Còn gì khác tốt hơn để minh chứng rằng bởi đức tin, và đức tin không thôi, mà chúng ta được cứu?
Chúng ta giờ đây có Kinh Thánh, hội thánh, tín ngưỡng, các lễ nghi và Mười Điều Răn. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn tìm đến những điều căn bản nhất – Ngài tìm những tấm lòng sẵn sàng liều tất cả, bất chấp mọi thứ, để tin nơi Ngài.

(15:10) Tại sao lại xẻ những con vật làm đôi?

Đây là một phần của phong tục lúc ấy khi một giao ước được thiết lập giữa các cá nhân. Những tài liệu văn học cổ đại khác kể về sự giết và chia đôi con vật để cho các bên của giao ước đi giữa các phần, ám chỉ rằng bất kì ai phá vỡ hay vi phạm giao ước này cũng sẽ gặp số phận như vậy (c. 17-18). Nó tương đương với một thề ước, làm hệ trọng hơn bởi sinh lễ động vật.

(15:16) Tại sao lại đợi cho tội lỗi của dân A-mô-rít gia tăng thêm?

Lòng thương xót của Đức Chúa Trời làm Ngài chậm thực thi sự phán xét. Ngài cho dân A-mô-rít thời gian để họ có thể ăn năn, chứ không phải để cho họ phạm tội nhiều thêm. Ngài sẽ không tước đi đất của họ mà trao cho hậu duệ Áp-ram trước khi cho họ mọi cơ hội để ăn năn. Một Đức Chúa Trời thánh thiện sẽ đối xử với con người một cách công bằng và ngay thẳng. Xem Giô-na 3:3-10; 4:11.

(15:17) Một lò lửa… một ngọn đuốc

Đây tương tự như chữ ký của Đức Chúa Trời trong giao ước. Lửa trong Kinh Thánh là biểu tượng thường thấy cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Một số những ví dụ khác bao gồm bụi gai cháy (Xuất Ai Cập 3:1-3), khói trên núi Si-na-i (Xuất Ai Cập 19:18), lửa giáng xuống để trả lời cho Ê-li (1 Các Vua 18:38), than lửa đỏ tha tội cho Ê-sai (Ê-sai 6:6) và lửa Thánh Linh vào lễ Ngũ Tuần (Công vụ. 2:1-4).

(15:18-21) Tại sao Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ram đất thuộc về người khác?

Đức Chúa Trời trả lời câu hỏi này vào gần cuối cuộc đời của Áp-ram (Phục Truyền. 9:1-6). Điều này không phải bởi vì dân Y-sơ-ra-ên công chính hơn hay xứng đáng hơn. Đức Chúa Trời trục xuất những quốc gia Ca-na-an vì sự xấu xa của họ. Sau này Y-sơ-ra-ên cũng bị trừng phạt như vậy vì tội lỗi của họ khi A-si-ri và Ba-by-lôn chiếm xứ. Xem thêm mục: Y-sơ-ra-ên có quyền gì để mà chiếm đất? (Dân số. 33:52-53).

Commentaires


bottom of page