Đọc Sách Lê-vi Ký tại 'đây'.
(5:1) Tại sao sự im lặng lại là phạm tội?
Để nói chứng dối là một chuyện khác (Xuất Ai Cập. 20:16). Nhưng câu khẳng định này đã đưa mạng lệnh đó tiến thêm một bước nữa: Giấu giữ lời chứng cũng là điều sai trái. Bất kỳ người nào khi nghe thông báo yêu cầu công khai bằng chứng liên quan đến vụ việc pháp lý sẽ bị kết tội nếu không cung cấp thông tin mà mình có. Đây là một ví dụ của tội vô ý – loại tội lỗi mà tội nhân sẽ thường mắc phải khi mất cảnh giác. Xem mục Tại sao một người phải chịu trách nhiệm vì một tội vô tình? (4:2).
(5:2) Ô uế
Bị làm bẩn, làm nhục, không tinh khiết, không thanh sạch: một sự phân biệt trong tôn giáo, chứ không phải một mức đo sạch sẽ về vệ sinh. Sự phạm tội tự động dẫn đến sự không tinh sạch, nhưng sự không tinh sạch chỉ dẫn đến tội lỗi nếu như không được loại bỏ. Để dùng ví dụ so sánh, sự không tinh sạch giống như bị tiếp xúc với và có nguy cơ lây nhiễm một bệnh truyền nhiễm; sự tinh sạch là sự miễn dịch. Đức Chúa Trời tuyên bố một số thứ không tinh sạch, tuy một số trường hợp chúng ta không rõ dựa trên cơ sở nào. Một số nghĩ rằng sự phân biệt ở đây là dựa trên những gì quen thuộc và thông dụng, ví dụ như: Cá có vây (quen thuộc) là tinh sạch; nghêu sò ốc hến (không quen thuộc) là không tinh sạch (11:9-12).
(5:2) Tại sao một số thứ lại không tinh sạch?
Danh sách những gì được cho phép và những gì không được nghe có vẻ nhỏ nhen và tùy tiện. Tuy vậy, những luật như thế này nhắc nhở người Y-sơ-ra-ên rằng, trong mọi phương diện của sự tồn tại của họ, họ sẽ phải sống đời sống thánh đối với Đức Chúa Trời (11:44-45). Những gì người Y-sơ-ra-ên không thể chạm đến và ăn, nhắc nhở cho họ rằng họ được biệt riêng ra khỏi toàn thể thế giới.
(5:4) Làm thế nào một người có thể thề mà không có nhận thức được?
Điều này đang chỉ đến một lời thề được công bố trước khi suy xét tất cả những hàm ý. Câu nói miêu tả về một lời thế như vậy có thể được dịch theo nghĩa đen là tán chuyện bằng môi – nói mà không nghĩ. Lời thề bị phá vỡ được coi là một vi phạm nghiêm trọng trong thế giới cổ đại, đặc biệt khi chúng được thề với Đức Chúa Trời. Điều này giải thích tại sao Giô-suê giữ lời đã thề khi bị mắc mưu của người Ga-ba-ôn (Giô-suê 9:19) và tại sao Giép-thê giữ lời thề dại dột của mình (Các Quan Xét 11:30,35,39).
(5:15) Những vật thuộc về Ngài là gì?
Trong những bản dịch khác là vật thánh. Vật thánh có thể nghĩa là: (1) đồ ăn mà đã được định để chỉ có thầy tế lễ dùng (22:14) hoặc (2) bất cứ thứ gì dâng hiến cho Đức Chúa Trời (27:1-28). Nếu bất kỳ ai ngoài thấy tế lễ dùng đồ ăn được dâng hiến hay bỏ bê việc trả những lời hứa dâng hay dâng một phần mười, người đó sẽ vi phạm đối với những vật thánh.
(5:15) Siếc-lơ chuẩn của Nơi Thánh
Trước khi đồng xu được dùng làm tiền, người ta thường sử dụng kim loại quý, đo theo trọng lượng, làm tiền tệ để trao đổi. Giá trị của những thanh hay vòng bằng vàng hoặc bạc được xác định theo tiêu chuẩn đo lường được chấp nhận rộng rãi – siếc-lơ chuẩn của nơi thánh, chắc hẳn nặng khoảng 11.5 gam.
(5:15,19) Tế lễ chuộc lỗi làm được điều gì mà những tế lễ khác không thể?
Tế lễ chuộc lỗi tha tội cho người thờ phượng đã phạm với tài sản thiêng liêng, một tội nghiêm trọng. Tế lễ chuộc lỗi đồng thời cũng phân biệt những tội cho phép được bồi thường (6:2-7). Người phạm lỗi phải dâng một con chiên đực (không cho phép thay thế) và bồi thường lại hoàn toàn giá trị vật thánh cộng thêm 20 phần trăm, thỏa mãn cho cả Đức Chúa Trời và người đã phạm lỗi. Tế lễ thiêu cung cấp sự hòa giải; tế lễ thanh tẩy tội lỗi hay tế lễ chuộc tội cung cấp sự thanh tẩy; nhưng chỉ có tế lễ chuộc lỗi làm dịu lương tâm có lỗi với sự bồi thường cho tội lỗi.
Comentários