Đọc Sách Lê-vi Ký tại 'đây'.
(4:2) Tại sao một người phải chịu trách nhiệm vì một tội vô tình?
Từ nguyên gốc của vô ý có nghĩa là trôi lạc – như con chiên có thể đi lạc khỏi bầy. Điều này ám chỉ rằng tội lỗi bắt nguồn từ sự yếu đuối của nhân cách con người hơn là từ sự nổi loạn thẳng thừng hay tội ác có chủ tâm. Chúng ta liên kết lỗi lầm với chủ đích, nhưng người cổ đại liên kết chúng với hoàn cảnh và ảnh hưởng.
(4:3) Thầy tế lễ thượng phẩm chịu xức dầu
Tất cả các thầy tế lễ đều chịu xức dầu để thực thi mục vụ của họ (Xuất Ai Cập. 29:7; Lê-vi. 8:12,30), nhưng chỉ duy nhất thầy tế lễ thượng phẩm mới được gọi là thầy tế lễ chịu xức dầu – anointed priest (như trong các bản dịch Kinh Thánh khác).
(4:3) Tại sao dân chúng lại mắc tội khi thầy tế lễ là người phạm tội?
Từ cái nhìn của Tân Ước, với Đấng Christ là thầy tế lễ thượng phẩm hoàn hảo của chúng ta, rất khó để ta có thể tưởng tượng tội lỗi chuyển giao từ một cá nhân đến cả một cộng đồng. Nhưng trong Cựu Ước, thầy tế lễ đại diện cho dân sự trước mặt Đức Chúa Trời. Miễn là thầy tế lễ giữ cho mình thanh sạch, ông ta có thể dâng tế lễ và cho phép cả quốc gia dân tộc được tẩy sạch tội lỗi. Tuy nhiên, nếu tội lỗi khiến cho thầy tế lễ trở nên một đại diện khiếm khuyết, Đức Chúa Trời sẽ thấy được dân sự qua những khuyết điểm đó – đầy tội lỗi và không thanh sạch (đồng thời xem 10:6).
(4:5-7) Tại sao phải nhúng ngón tay vào máu?
Đức Chúa Trời có thể muốn thầy tế lễ nhúng ngón tay mình vào máu để hình dung sự chuyển giao của tội lỗi: Thầy tế lễ, vì chính mình cũng như vì cả dân sự, nhúng ngón tay mình vào máu để cho bản thân mình không phải đổ máu. Huyết của tế lễ thế cho huyết của người phạm tội; tế lễ chuộc tội chết để cho tội nhân được sống. Bôi máu lên sừng của bàn thờ xông hương nhấn mạnh điều này thêm nữa khi khói của nhũ hương bốc lên như lễ dâng cho Đức Chúa Trời.
(4:5-7) Tại sao phải rảy máu bảy lần?
Bởi vì Đức Chúa Trời đã sáng thế trong sáu ngày và nghỉ vào ngày thứ bảy, con số bảy trở thành biểu tượng cho điều gì đó được hoàn thiện hay hoàn hảo. Cũng như vậy, số bảy có thể gợi đến sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa. Rảy máu bảy lần có thể đã tượng trưng cho sự thanh tẩy của nơi mà sự hiện diện của Đức Chúa Trời sẽ ngự.
(4:15) Các trưởng lão
Những người lãnh đạo của hội chúng. Trong trường hợp này, hành động của họ được thực hiện thay cho tất cả dân chúng để chuyển giao tội lỗi của dân sự vào tế lễ chuộc tội.
(4:23,28) Tại sao dê đực được dâng tế lễ cho một số tội, còn dê cái cho những tội khác?
Không rõ lý do tại sao. Một số nghĩ rằng tội nhân với địa vị cao hơn sẽ cần của lễ với giá trị lớn hơn. Ví dụ như tội của thầy tế lễ thượng phẩm sẽ có hậu quả nghiêm trọng hơn tội của một cá nhân. Nếu vậy thì dê đực được coi là có giá trị hơn, tuy điều này có vẻ như không đúng cho mọi trường hợp. Xem mục Nếu con cái dùng được cho một loại tế lễ, tại sao không dùng được cho tất cả? (3:1,6). Tuy nhiên, số khác nghĩ rằng sự khác biệt là bởi tính chất công khai của tội lỗi. Vì các thầy tế lễ và các vị lãnh tụ được quan sát nhiều hơn, của lễ dâng cho tội lỗi của họ cũng được xét như tế lễ dâng công khai.
Tế Lễ Cựu Ước |
Tế lễ | Tham chiếu Cựu Ước | Yếu tố | Mục đích |
---|---|---|---|
TẾ LỄ THIÊU | Bò đực, chiên đực, dê đực hay chim đực (chim gáy hoặc bồ câu con cho người nghèo); dùng toàn bộ; không tì vết | Hành động thờ phượng tự nguyện; chuộc tội cho tội vô ý nói chung; thể hiện sự tin kính, trung tín và hoàn toàn đầu phục Đức Chúa Trời | |
TẾ LỄ CHAY | Lúa mì, bột lọc, dầu (ô-liu), nhũ hương, bánh nướng (ổ hoặc tấm), muối; không men hay mật ong; đi cùng tế lễ thiêu và tế lễ bình an (và cùng với lễ quán) | Hành động thờ phượng tự nguyện; công nhận sự tốt lành và chu cấp của Đức Chúa Trời; lòng tin kính đối với Đức Chúa Trời | |
TẾ LỄ BÌNH AN | Bất kì con vật không tì vết nào từ bầy đàn; đủ thứ các loại bánh | Hành động thờ phượng tự nguyện; tạ ơn và tình thân hữu (bao gồm cả một bữa ăn thông công) | |
TẾ LỄ CHUỘC TỘI | 1. Bò tơ: cho thầy tế lễ thượng phẩm và hội chúng 2. Dê đực: cho cấp lãnh đạo 3. Dê cái hoặc chiên con: cho thường dân 4. Chim gáy hoặc bồ câu: cho người nghèo 5. Một ký (phần mười ê-pha) bột lọc: cho người rất nghèo | Chuộc tội bắt buộc cho tội lỗi vô ý cụ thể; ăn năn tội; tha thứ tội; thanh tẩy khỏi sự ô uế | |
TẾ LỄ CHUỘC LỖI | Chiên đực hoặc chiên con | Chuộc tội bắt buộc cho tội lỗi vô ý có yêu cầu bồi thường; thanh tẩy khỏi sự ô uế; bồi thường giá trị + 20% |
Khi có nhiều hơn một loại tế lễ được trình diện (như trong Dân-số. 7:16,17), thủ tục thường được thực hiện như sau: (1) tế lễ chuộc tội hoặc tế lễ chuộc lỗi, (2) tế lễ thiêu, (3) tế lễ bình an và tế lễ chay (cùng với lễ quán). Trình tự này cung cấp một phần cho tầm quan trọng thuộc linh của hệ thống hy sinh. Thứ nhất, tội lỗi phải được xử lý (tế lễ chuộc tội hay tế lễ chuộc lỗi). Thứ hai, người thờ phượng tận hiến chính mình hoàn toàn cho Đức Chúa Trời (tế lễ thiêu và tế lễ chay). Thứ ba, tình thân hữu hay thông công giữa Đức Giê-hô-va, thầy tế lễ và người thờ phượng được thiết lập (tế lễ bình an). |
Comments