top of page
Ảnh của tác giảBầy Nhỏ

Giúp Đọc Kinh Thánh: Lê-vi Ký 24

Đọc Sách Lê-vi Ký đoạn 24 tại 'đây'.

(24:3) Có phải A-rôn cần trực đêm thường xuyên?

Không hẳn. A-rôn cần phải giữ đèn (Bản Dịch Mới, Kinh Thánh Tiếng Anh NIV), nghĩa là A-rôn (sau này là hậu duệ của ông) có trách nghiệm phải đặt và chuẩn bị đèn để cháy qua đêm. A-rôn sẽ thực hiện công việc này cách thường trực. Sau khi hoàn thành bổn phận, A-rôn có thể trở về nhà với gia đình.

(24:10) Hôn nhân đa chủng như vậy có phổ biến trong dân Y-sơ-ra-ên?

Chắc không. Tuy việc kết hôn với người ngoại quốc bị cấm (Phục. 7:3-4), có một số người nước ngoài và dân ngoại sinh sống giữa dân Y-sơ-ra-ên (Xuất. 12:38; Lê. 18:26). Đa số hôn nhân khác chủng mà chúng ta được biết liên quan đến nam giới Y-sơ-ra-ên với nữ giới dân ngoại (Giô-sép có vợ người Ai Cập, Môi-se có vợ người Ma-đi-an, Bô-ô có vợ người Mô-áp, Sam-sôn có vợ người Phi-li-tin, và Sa-lô-môn có nhiều vợ là dân ngoại). Điều này có thể chịu ảnh hưởng một phần từ kỳ vọng văn hóa rằng người vợ sẽ gia nhập vào dân tộc của người chồng.

(24:12-16) Tại sao có hình phạt gắt gao đến vậy vì những phát ngôn trong cơn giận?

Phạm thượng liên quan đến nhiều thứ, không chỉ là lời nói cẩu thả trong cơn nóng giận của cuộc ẩu đả. Việc phạm thượng xúc phạm đến danh tính của Đức Chúa Trời thánh khiết – và Đức Chúa Trời không thể cho phép điều đó xảy ra. Điều này có vẻ không công bằng lắm khi án phạt mới được quyết định chỉ sau khi tội đã bị phạm. Nhưng người con trai ấy đã vi phạm một luật đã được định (Xuất. 22:28). Dù hình phạt chưa được đưa ra, anh ta biết rằng sẽ có hậu quả. Đã vậy, bất chấp những hậu quả đó có là gì, anh ta vẫn đã phạm tội với Đức Chúa Trời. Người con trai chịu trách nghiệm cho chính hành động của mình và sẽ phải đối diện với án phạt.

(24:14) Tại sao nguyên cáo phải đặt tay lên đầu của bị cáo?

Rất khó để có thể nói chính xác. Có thể ý được gợi lên ở đây là những người nghe thấy điều phạm thượng sẽ bị chúng làm ô nhiễm. Như vậy, đặt tay lên đầu của người phạm tội sẽ bằng cách nào đó truyền sự nhiễm bẩn ấy trở lại nguồn gốc, để nó có thể được loại bỏ hoàn toàn khi người đó chịu tử hình. Cũng như cách thầy tế lễ thượng phẩm đặt tay mình lên con dê gánh tội, chuyển tội lỗi của dân chúng chất lên con dê trước khi đuổi nó đi vào hoang mạc (16:21).

(24:20) Việc “trả đũa” thì có ích gì?

Không nên xem quy định này là một điều luật sơ khai hay dã man. Đây không phải là sự đền bù đã trở nên sai lệch, biến thành sự trả đũa báo thù. Tốt hơn nên xem điều luật này thiết lập nền tảng căn bản của công lý: Hình phạt phải phù hợp với vi phạm. Án phạt quá nặng hoặc quá nhẹ là sai trật trong thi hành công lý. Những kẽ hở để lách luật và tránh việc truy tố (thường chỉ dành cho tầng lớp ưu thế) là điều sai. Nhưng hình phạt quá quắt cho những tội nhỏ (thường áp đặt trên tầng lớp thiếu thốn) cũng sai. Đồng thời xem mục Chúng ta có nên đòi hỏi mắt đền mắt, răng đền răng? (Xuất. 21:23-25).

Đoạn 23  << 24  >> Đoạn 25

Comments


bottom of page