Đọc Sách Lê-vi Ký đoạn 22 tại 'đây'.
(22:3) Bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Ta
Hình phạt cho việc xúc phạm đến sự thánh sạch của Đức Chúa Trời. Một số nói rằng đây là bị rút phép thông công – cắt khỏi sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Số khác thì cho rằng đây là bị tẩy chay – loại bỏ khỏi cộng đồng. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng đây là án tử (c. 9), thi hành bởi cộng đồng thay mặt cho Đức Chúa Trời hoặc bởi chính Đức Chúa Trời. Một số nghĩ rằng câu nói này bao gồm cả ý tưởng về hình phạt vĩnh cữu; như phương thức thông dụng để miêu tả sự chết, trở về với tổ tông mình bị đổi thành khai trừ khỏi dân tộc mình.
(22:6,11) Tại sao bỏ tắm là một tội khi sở hữu nô lệ lại được phép?
Phụng sự Đức Chúa Trời thánh khiết, toàn năng phải là một việc đáng kính sợ và đầy hãi hùng. Thầy tế lễ khi đến trước Đức Chúa Trời mà không thanh tẩy mình trước nhất là một điều nghiêm trọng. Nhưng tại sao thầy tế lễ lại được phép sở hữu nô lệ? Tại thời điểm này trong lịch sử, có vẻ như Đức Chúa Trời đã chọn phương án cải cách và chỉnh sửa chế độ nô lệ hơn là loại bỏ nó. Cựu Ước dẫn đầu trong văn học thế giới, thúc giục rằng nô lệ cần được đối xử như là một con người vì lợi ích của chính họ: Nô lệ của thầy tế lễ được ban cho quyền (c. 11) mà những người làm thuê cho thầy tế lễ (c.10) và đôi khi con trẻ (c.12) không được hưởng. Để biết thêm về chế độ nô lệ, xem mục: Tại sao Kinh Thánh không lên án chế độ nô lệ? (1 Phi-e-rơ 2:18-21).
(22:9) Tại sao lại có nhiều điều luật tôn giáo như vậy?
Vì ít nhất hai lý do: (1) Sự chú ý thận trọng đến từng chi tiết, điều này có nghĩa là tất cả mọi thứ thầy tế lễ làm sẽ phản ánh tốt hơn bản chất thánh khiết và đáng kính sợ của Đức Chúa Trời. (2) Những giới hạn mà họ đi theo thiết lập tiêu chuẩn cho sự chính trực và tách biệt những thầy tế lễ của Y-sơ-ra-ên khỏi các thầy tế của những văn hóa khác. Mặt khác, các thầy tế lễ ngoài đạo đã dùng địa vị tôn giáo của mình để thâu tóm quyền lực và của cải.
(22:23) Khác biệt giữa lễ vật tự nguyện và lễ vật khấn nguyện là gì?
Lễ vật tự nguyện, thường được kể cùng với lễ vật khấn nguyện, là thuật ngữ chung cho nhiều loại lễ vật khác nhau dâng để thể hiện lòng cảm tạ Đức Chúa Trời. Lễ vật tự nguyện, còn được gọi là của lễ lạc ý, hoàn toàn tình nguyện và vì thế có ít quy định hơn. Mặt khác, lễ vật khấn nguyện được thực hiện dưới dạng thức tế lễ, bắt nguồn từ cam kết được làm trước đó bởi một cá nhân. Bởi vậy, lễ vật này có yêu cầu khắt khe hơn.
(22:27) Lễ vật chưa được tám ngày tuổi thì có gì sai?
Một số nghĩ rằng lý do của điều luật này là vì lòng trắc ẩn. Nhưng hệ thống hy sinh được thiết kế với chú tâm vào sự phán xét, không phải lòng trắc ẩn. Hy sinh con non tám ngày tuổi còn đang bú chẳng trắc ẩn gì hơn việc hy sinh con non được một hay hai ngày tuổi. Khả thi hơn là điều luật này được định để tách biệt giữa sự sống và sự chết. Nếu như sự sinh và sự chết đến quá gần nhau, ý nghĩa của sự hy sinh sẽ bị giảm đi nhiều. Con vật phải được sống đã, trước khi chết trong một sự hy sinh có ý nghĩa.
(22:28) Tại sao việc giết cả bò mẹ lẫn bò con trong cùng một ngày là sai trái?
Một số nghĩ rằng lý do của điều luật này là vì lòng trắc ẩn (xem mục trước). Nhưng giết mổ bò mẹ và bò con trong các ngày kế tiếp chẳng trắc ẩn gì hơn việc làm hết trong một lần. Khả năng là điều luật này được định để làm rõ sự tách biệt giữa hai sinh tế: Cái chết của vật cho sự sống (bò mẹ) khác biệt với cái chết của vật nhận sự sống (bò con).
(22:32) Nếu như Đức Giê-hô-va thánh hóa các thầy tế lễ, tại sao lại cần nhiều điều luật đến vậy?
Sự thánh sạch là một liên hiệp đòi hỏi cả công việc của Đức Chúa Trời lẫn sự hợp tác của thầy tế lễ. Ví dụ, Đức Chúa Trời kêu gọi Y-sơ-ra-ên lấy ngày Sa-bát làm ngày thánh (Xuất. 20:8), một điều mà chính Ngài đã làm thành (Xuất. 20:11). Điều này không có nghĩa là thầy tế lễ có thể đạt được sự thánh sạch bằng công sức của chính mình. Nhưng bởi vì các thầy tế lễ được biệt riêng và gọi là thánh, điều này cho phép họ học và chiêm ngưỡng luật pháp và điều răn của Đức Chúa Trời. Sự vâng lời của họ là biểu hiện của sự thánh sạch, hơn là công đức để trở nên thánh.
Comments