Đọc Sách Lê-vi Ký đoạn 21 tại 'đây'.
(21:1-4) Trở nên ô uế
Thành viên trong gia đình khi chuẩn bị thi thể để an táng sẽ trở nên không thanh sạch. Thậm chí khi một người đi vào nơi có xác chết cũng sẽ bị ô uế (Dân. 19:14). Các thầy tế lễ chỉ được phép làm việc này khi một người thân rất gần qua đời. Thầy tế lễ thượng phẩm còn không thể thực hiện điều này (cc. 11-12). Đồng thời xem mục Tại sao A-rôn và các con trai ông không thể khóc thương cho những cái chết bi thảm này? (10:6).
(21:5-6) Tại sao việc cắt tóc cạo râu bị coi là không thánh sạch?
Việc cắt tỉa không phải là vấn đề - vấn đề nằm ở những biểu tượng của ngoại giáo. Khi tang chế cho người chết, người Ca-na-an cổ đại cắt cạo để thể hiện sự đau buồn tuyệt vọng sâu sắc. Không có thông tin cho biết tại sao việc cạo râu tóc (hoặc đến mức cực đoan, rạch thân thể) mang tầm ý nghĩa như vậy. Một số câu chuyện ngoại giáo nói về những thần linh thể hiện sự đau thương bằng việc cắt chính mình. Tuy nhiên, nếu dân Y-sơ-ra-ên đã bắt chước hàng xóm ngoại đạo của họ, Y-sơ-ra-ên sẽ chối bỏ Thần của họ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của kẻ sống lẫn kẻ chết (Phục. 14:1-2). Đồng thời xem mục Tại sao lại có điều luật về tóc tai hay hình xăm? (19:27-28).
(21:6,8) Thức ăn của Đức Chúa Trời là gì?
Người cổ đại tin rằng các thần của họ cần dưỡng chất, nên đã có những nghi lễ để “cung cấp” thực phẩm cho bức tượng các thần linh của họ. Lê-vi Ký đã mượn thuật ngữ thông dụng của thời điểm đó để minh họa tế lễ như thức ăn của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ý tượng này đã được lột bỏ khỏi những yếu tố huyền bí. Đức Chúa Trời mong muốn tình thân hữu và sự tận hiến của con dân Ngài; Đức Chúa Trời không cần thức ăn. Cựu Ước chỉ trích khái niệm rằng Đức Chúa Trời có nhu cầu về thực phẩm (Thi. 50:12-13).
(21:12) Tại sao thầy tế lễ thượng phẩm không được ra khỏi đền thánh?
Thường lệ thì thầy tế lễ thượng phẩm được đi ra – nhưng không phải để dự trong phong tục chôn cất, thậm chí không được dự phần trong sự qua đời của chính cha mẹ mình. Điều này là để ngăn ngừa thầy tế lễ thượng phẩm khỏi bị ô uế về lễ nghi, và bởi vậy làm ô nhiễm đền thánh khi họ trở về. Không có điều gì ở đây để cho rằng nơi thánh là một loại đền chùa với bờ tường mà thầy tế lễ thượng phẩm không bao giờ được vượt qua.
(21:17-23) Tại sao lại phân biệt đối xử với người khuyết tật?
Điều luật này không liên quan gì đến quyền cá nhân. Phụng sự làm thầy tế lễ không phải là một đặc quyền; nó là một đặc ân chỉ dành cho một số ít thôi. Những người bị khiếm khuyết về thân thể không bị phân biệt đối xử hơn gì phần đông dân Y-sơ-ra-ên: Chỉ những người nam ở độ tuổi nhất định, thanh sạch về lễ nghi, không tì vết, từ chi phái Lê-vi và là hậu duệ của A-rôn, mới được ban cho đặc ân để làm thầy tế lễ đại diện Đức Chúa Trời. Trọng tâm ở đây là liệu thầy tế lễ có đủ khả năng để thể hiện hình ảnh của một Đức Chúa Trời thánh sạch và toàn hảo trước dân chúng. Đặc tính độc đáo của sự kêu gọi giúp bảo tồn hình ảnh này. Dù gì đi chăng nữa, những hậu duệ của A-rôn với khuyết tật không bị ngăn cấm được hưởng những lợi ích khác của chức thầy tế lễ (c. 22).
Comments