Đọc Sách Lê-vi Ký đoạn 16 tại 'đây'.
(16:2) Tại sao đến gần Đức Chúa Trời sẽ khiến cho A-rôn phải chết?
Đức Chúa Trời là Thần thánh khiết và công chính – cần được kính sợ lẫn kính yêu. Sự hiện diện của Ngài trong doanh trại có ảnh hưởng đến mọi người, nhưng đặc biệt cho các thầy tế lễ. Họ được ủy quyền với trách nghiệm đáng kính sợ phải tiếp cận Đức Chúa Trời thay cho dân sự. Vinh quang của Ngài trong Nơi Chí Thánh sẽ như lửa thiêu đốt các thầy tế lễ nếu như họ không được thánh hóa trọn vẹn. A-rôn có thể đến gần Đức Chúa Trời an toàn nếu như ông chuẩn bị chính mình, nhưng không phải bất cứ lúc nào ông muốn là được.
(16:2) Nắp thi ân
Một mặt phẳng đặt trên Hòm Chứng Ước với chê-ru-bim ở hai đầu, giang cánh. Tuy thuật ngữ Hê-bơ-rơ gợi lên ý tưởng một nắp đậy hoặc che, nó cũng đồng thời được thấy như là một “ngôi thương xót” bởi vì Đức Chúa Trời được nói là đã ngồi trên ngai tại đó (Thi. 99:1). Trong trường hợp nào đi nữa, đây là nơi Đức Chúa Trời hiện ra (Xuất. 25:22).
(16:2,13) Hòm Chứng Ước
Chứng Ước chỉ đến điều Đức Chúa Trời mặc khải cho dân Y-sơ-ra-ên được viết lại: Mười Điều Răn, được khắc trên hai bảng đá Môi-se đã mang xuống từ núi Si-na-i (Xuất. 34:27-29). Chứng Ước (chứng kiến) đem lại bằng chứng cho mối quan hệ Đức Chúa Trời đã thiết lập với dân Y-sơ-ra-ên và lập nên nền tảng cho đời sống cộng đồng của họ.
(16:16) Tại sao phải chuộc tội cho một phần của nhà Đức Chúa Trời?
Bởi vì tội lỗi có tính lan tràn, ngay cả chính nơi thờ phượng cũng bị ô uế, không thích hợp cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời cho đến khi chúng được thanh tẩy. Qua việc dâng tế lễ và chuộc tội, Đức Chúa Trời đã cung cấp phương cách để mối quan hệ giữa Ngài với dân Y-sơ-ra-ên được phục hồi.
(16:20-22) Tại sao phải thả một con dê vào hoang mạc?
Một tế lễ là một sự thay thế, gánh lấy tội lỗi và chịu hậu quả của chúng cách tượng trưng. Tuy nhiên, con dê này là một tế lễ sống – bị trục xuất khỏi doanh trại như là một biểu tượng cho tội lỗi được loại bỏ cách xa khỏi dân chúng và sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Người dân nhìn xem khi con dê được dẫn đến một điểm ở xa – một minh họa ấn tượng về lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ loại bỏ tội lỗi của họ khỏi chính họ (so sánh với Thi. 103:12).
(16:29-30) Sau tất cả những tế lễ khác nhau, tại sao lại cần một ngày của lễ chuộc tội?
Những tế lễ khác thanh tẩy một cá nhân. Tế lễ dâng trong ngày của lễ chuộc tội thanh tẩy cả vương quốc, thậm chí khỏi những sai phạm mà họ không biết đến, điều này cần phải được thực hiện để Đức Chúa Trời tiếp tục ngự giữa họ. Nghi lễ trang nghiêm này nhắc nhở người Y-sơ-ra-ên rằng đặc ân được đến với Đức Chúa Trời của họ bị đe dọa bởi tội lỗi. Sau này, cái chết của Đấng Christ đã làm thành sự chuộc tội cuối cùng cho các tín đồ, khiến cho việc dâng tế lễ không cần phải tiếp tục nữa (Hê. 9:23-28).
(16:30) Một nghi lễ có thể thanh tẩy cả vương quốc không?
Nghi lễ này là để khuyến khích sự ăn năn chân thành của tất cả mọi người. Họ phải kiêng ăn và ngừng làm việc (ngụ ý đến việc nhìn nhận bản thân và ăn năn). Tuy nhiên, sự ăn năn lễ nghi không bảo đảm cho một cá nhân được tha tội, cũng như những lời cầu nguyện của mục sư hay sự xưng tội ngày nay, không bảo đảm rằng mọi thành viên của nhà thờ thực sự hối cải.
Comments