Đọc Sách Dân Số Ký tại 'đây'.
(5:2-3) Tại sao lại trục xuất một người vì họ mắc phải bệnh mà không thể tránh được?
Lệnh trục xuất này không có ý nói rằng người ấy phải chịu trách nhiệm cho căn bệnh ngoài da của mình hay họ đang bị trừng phạt vì đã phạm tội. Điều đang bị xâm phạm ở đây là sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, chứ không phải người Y-sơ-ra-ên nào chịu trách nhiệm cho căn bệnh nào đó. Một bệnh ngoài da nghiêm trọng, tiết dịch từ thân thể hay đụng phải xác chết đều làm ô uế doanh trại mà Đức Chúa Trời đang hiện diện.
(5:2-3) Lệnh trục xuất này có vĩnh viễn không?
Thường thì không như vậy. Người Y-sơ-ra-ên không thanh sạch chắc hẳn tụ tập lại với nhau bên ngoài ranh giới của trại quân, nhưng cũng không ở quá xa. Nhiều căn bệnh của họ không nghiêm trọng. Các thầy tế lễ thường xuyên đến thăm trại của họ và kiểm chứng những ai đã hoàn toàn lành bệnh, rồi cho phép họ được trở về trại quân của Y-sơ-ra-ên (xem Lê. 14:3).
(5:10) Thầy tế lễ có trở nên giàu có khi nhận những quà tặng này?
Những lễ vật này chỉ được nhận bởi thầy tế lễ khi không có ai khác được trả bồi thường cho thiệt hại (xem c. 8). Bởi vì thầy tế lễ không sở hữu đất đai, họ không thể kiếm sống bằng việc làm nông như những người Y-sơ-ra-ên khác. Tuy một số có thể đã lạm dụng đặc quyền này – ví dụ như những con trai của Hê-li (1 Sa. 2:12-17) – các thầy tế lễ cần những lễ vật này để họ có thể tận hiến hết năng lực của mình phụng sự Đức Chúa Trời.
(5:14-31) Tại sao một người vợ vô tội phải trải qua những điều này vì một người chồng đa nghi?
Vì sự an toàn của chính người vợ. Bài kiểm tra này thực chất hoạt động như là phương thức để bảo vệ một người phụ nữ bị vu cáo đã ngoại tình. Nếu không có điều này, người chồng phẫn nộ có thể sẽ làm hại người vợ – thậm chí giết nàng. Luật lệ này nhằm ngăn chặn những hành động trả thù và trừng phạt cá nhân, và đảm bảo cho công lý trong một tình huống dễ dàng bùng nổ.
(5:22) Bị bụng phình lên và ốm lòi hông có nghĩa là gì?
Đây là cách nói bóng cho sự vô sinh. Nó báo hiệu cho thấy có bệnh tật về thể chất hay vấn đề trong sinh sản sẽ cản trở một người phụ nữ sinh con.
(5:27-28) Làm thế nào nước đắng có thể chứng minh hay bác bỏ tội ngoại tình chính xác được?
Đức Chúa Trời đã giám sát toàn bộ quy trình. Một số đề nghị rằng chính quá trình này có thể đã tạo nên đủ cảm giác tội lỗi và nhục nhã – tất nhiên chỉ khi người vợ thực sự đã phạm tội – để gây nên vô sinh, sự ô nhục tột đỉnh cho một người phụ nữ ở thời đại này. Số khác thì coi nước đắng là biểu tượng cho sự cay đắng mà người phụ nữ sẽ gánh chịu nếu phát hiện đã phạm tội.
(5:28) Có phải tất cả phụ nữ không có con sẽ bị nghi ngờ đã phạm tội ngoại tình?
Không nhất thiết vì tội ngoại tình, mà bởi vì một tội bất trung nào đó đối với Đức Giê-hô-va. Người Y-sơ-ra-ên xem việc không thể sinh con như là một sự trừng phạt thiên thượng vì tội lỗi chính cá nhân đã phạm (xem Phục. 7:14). Tuy nhiên, Lời của Đức Chúa Trời không đưa ra quan niệm bao quát đến vậy. Ví dụ như Sa-ra, người mà đã mang nỗi nhục hàng thập kỷ, nhưng sau này được gọi là thánh (1 Phi. 3:5-6).
(5:31) Tại sao không có bài kiểm tra cho một người chồng phạm tội ngoại tình?
Bài kiểm tra bảo vệ người phụ nữ khỏi người chồng. Xem mục Tại sao một người vợ vô tội phải trải qua những điều này vì một người chồng đa nghi? (5:14-31). Trong nền văn hóa nam giới thống trị như thế, người nữ đặc biệt dễ bị bạo hành gia đình. Người nam đơn thuần không cần được bảo vệ như vậy khỏi bị vu cáo. Tuy nhiên, nếu bị phát hiện phạm tội ngoại tình, án phát cho người nam lẫn người nữ đều như nhau: tử hình (xem Lê. 20:10).
ความคิดเห็น