HỎI: Em đã được học và vẫn tin rằng Kinh Thánh dạy Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Nhưng bây giờ có các thầy giảng là trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Họ nói Kinh Thánh dạy Đức Chúa Trời là cha của Chúa Giê-xu, mà Hội Thánh lại dạy Chúa Giê-xu bình đẳng với Đức Chúa Trời là trái với Kinh Thánh. Em thấy hoang mang quá!
ĐÁP: Đúng là trong Kinh Thánh không có từ Ba Ngôi, cũng không có chỗ nào dạy rõ là Đức Chúa Trời có ba Ngôi. Tuy nhiên, chúng ta không thể nói rằng vì không có từ Ba Ngôi trong Kinh Thánh cho nên giáo lý Ba Ngôi không có nền tảng Kinh Thánh. Kinh Thánh nói chỉ có một Đức Chúa Trời duy nhất, là Đấng Tạo Hóa siêu việt. Tất cả những gì còn lại đều do Đức Chúa Trời dựng nên. Vì vậy, chỉ có Đức Chúa Trời có quyền năng, vinh hiển mà không có ai khác có. Tất cả những tạo vật còn lại phải tôn thờ Đức Chúa Trời duy nhất đó. Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời đã sai Con của Ngài là Chúa Giê-xu đến thế gian để cứu loài người khỏi chết mất vì tội lỗi. Ai tin cậy Chúa Giê-xu, nhận sự giải cứu của Ngài và tôn Ngài là Chúa của mình, thì được làm con của Đức Chúa Trời. Nhưng Kinh Thánh cũng dạy rằng Chúa Giê-xu có quyền năng, vinh hiển như Cha. Ngài có từ ban đầu và dự phần trong việc sáng tạo với Cha. Ngài cũng được thờ phượng như Cha. Kinh Thánh lại dạy Thánh Linh không phải là năng lực hay sức ảnh hưởng. Ngài có thân vị, nghĩa là Ngài có ý chí, lý trí, tình cảm. Ngài là thân vị khác với Cha và khác Chúa Giê-xu. Ngài cũng làm các công việc của Cha và Con, cũng có quyền năng và phải được thờ phượng như Cha và Con. Giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi dựa trên năm điều căn bản mà Kinh Thánh đã dạy:
Chỉ có một Đức Chúa Trời duy nhất.
Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, đã dựng nên muôn vật trên trời dưới đất. Ngài là Cha của những người thuộc về Ngài.
Chúa Giê-xu là Con. Ngài được sinh ra như một con người trên trần gian, nhưng Ngài cũng là Đức Chúa Trời.
Thánh Linh là một thân vị, và là Đức Chúa Trời.
Cha, Con và Linh hiệp một trong sự sáng tạo, bảo tồn vũ trụ và cứu rỗi loài người.
Dựa trên năm điều Kinh Thánh đã dạy rất rõ ràng đó, cộng đồng giáo hội Cơ Đốc trãi qua nhiều lần thảo luận, đã phát biểu giáo lý được gọi là tín lý Ba Ngôi. Đại ý như sau: Chỉ có một Đức Chúa Trời, nhưng có ba thân vị (chúng ta gọi là Ngôi): là Cha, Con và Thánh Linh. Cha, Con và Linh đồng một bản thể, bình đẳng về quyền năng và vinh hiển.
Sự bình đẳng của Cha, Con và Linh, vì cùng là Đức Chúa Trời, cho nên giống nhau về quyền năng và vinh hiển của Đức Chúa Trời. Sự bình đằng này là về bản thể chứ không phải bình đẳng trong địa vị hay trong công việc. Cũng như khi Kinh Thánh nói: "Nầy, mọi linh hồn đều thuộc về ta; linh hồn của cha cũng như linh hồn của con, đều thuộc về ta; linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết," (Ê-xê-chi-ên 18:4) thì không có ý là cha con ngang hàng mọi mặt; mà là cha con đều là người và bình đẳng trước mặt Đức Chúa Trời. Không thể lấy những câu Kinh Thánh nói về địa vị hay công việc của Cha, Con, Linh mà phê phán rằng giáo lý Ba Ngôi đã sai Kinh Thánh!
Về từ Ba Ngôi, khi bàn luận một khái niệm, người ta phải nghĩ ra một từ tóm gọn khái niệm ấy. Giáo lý Ba Ngôi cũng vậy. Nếu không làm thế thì mỗi lần đề cập đến khái niệm gọi là Ba Ngôi, phải trình bày hết những ý tưởng đã hình thành ra giáo lý Ba Ngôi. Như vậy thì không thể bàn luận được cho sáng sủa và thông suốt. Chúng ta phải xác định rằng Ba Ngôi là từ THẦN HỌC, chứ không phải là một từ của Kinh Thánh. Nếu chúng ta bàn luận về Thần Học, thì tất nhiên chúng ta phải xử dụng từ thần học thì mới bàn được. Còn nếu chúng ta chỉ học và giảng Kinh Thánh, không muốn dùng từ Ba Ngôi, thì chúng ta đừng có bàn gì về những tranh cãi thần học liên quan đến Cha, Con và Linh.
Giáo lý Ba Ngôi đã trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm thảo luận và tranh cãi của các thế hệ học giả. Có rất nhiều vấn đề mà một người chưa có đủ thời gian và điều kiện nghiên cứu sâu thì không thể nào hiểu được thấu đáo, còn nói gì đến việc tham gia bàn luận! Ví dụ Sự Lưu Xuất Của Đức Thánh Linh, chỉ một chữ 'ra từ' trong Giăng 15:26, mà các nhà thần học bàn luận mãi vẫn không có tín lý thống nhất. Hậu quả là các giáo hội Cơ Đốc có chiến tranh và chia rẻ với nhau. Nhưng tín đồ có mấy ai biết đến tín lý này?! Vậy thì học Kinh Thánh như thế nào để được trưởng thành trong đức tin mà không bị các giáo sư giả dẫn dụ?! Làm thế nào vừa giữ vững đức tin và sự hiệp một của hội thánh địa phương, vừa vượt qua các rào cản về tri thức, tổ chức, tín lý thần học để giữ mối hiệp thông huynh đệ trong Chúa Giê-xu?!
Giải nghĩa Kinh Thánh đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng của một chuyên gia. Nhưng Đức Chúa Trời ban Kinh Thánh cho chúng ta cũng đã ban Đức Thánh Linh, "Thần Chân lý" để dẫn chúng ta "vào mọi chân lý," (Giăng 16:13) Chúa Giê-xu đã "hiến dâng chính mình vì chúng ta, để chúng ta được thánh hóa trong chân lý." Ngài còn "Xin Cha dùng chân lý, là Lời của Cha thánh hóa" những người tin theo Ngài. (Giăng 17:17,19.) Chúng ta cứ lấy đức tin, đơn sơ, khiêm nhường học, tin và vâng theo những gì mình hiểu được, sao cho cách hiểu và cách tin ấy giúp mình có mối liên hệ tốt lành với Đức Chúa Trời và có một nền tảng cho mình sống trên đất đúng ý muốn và đường lối của Đức Chúa Trời. Còn điều gì mà người ta không thể hiểu cho rõ ràng, thì đơn giản là Cha không cần chúng ta phải hiểu, những điều ấy cứ để cho các nhà thần học giải quyết. Chúng ta không để cho mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời phụ thuộc vào sự khôn ngoan, tri thức của loài người; nhưng cũng không nên "lấn sân" của những nhà chuyên môn. Rô-ma 12:3 khuyên "mỗi người trong anh em, đừng nghĩ quá cao về chính mình, nhưng phải suy nghĩ đúng mực, tùy theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho từng người.”
Trong trường hợp điều bạn tin bất đồng với tín lý của hội thánh địa phương hay là hệ phái của mình. Bạn phải giữ sao cho sự bất đồng này không gây hoang mang, chia rẻ và chống đối trong hội chúng. Kinh Thánh dạy chúng ta phải tôn trọng và vâng phục những người lãnh đạo thuộc linh, không phải vì đức tin, khả năng và đạo hạnh của họ, mà vì nhận thức rằng Đức Chúa Trời tể trị trên tất cả đã cho phép họ nắm giữ chức vụ. Nếu tôn kính Chúa thì bạn phải tôn trọng và vâng phục họ. (Rô-ma 13:1-2.) Các chức vụ giảng dạy Kinh Thánh cũng có thẩm quyền thuộc linh giống như các chức vụ quản trị. (Ma-thi-ơ 23:2-3.)
Nếu bạn bất đồng về tín lý với anh chị em khác, thì phải cẩn thận không để cho bất đồng đó làm tổn thương anh chị em và gây vấp phạm cho người chưa tin. Đừng để cho tri thức, ân tứ, khả năng, chức vụ, quyền lợi v.v… làm mất tình yêu thương giữa những người cùng một Cha, một Chúa. Vì tình yêu là điều răn duy nhất của Chúa Giê-xu, (Giăng 13:3-4;) là điều trọng yếu nhất của Hội Thánh, (1Cô-rinh-tô 13:13.) Chỉ có tình yêu có giá trị đời đời đối với Đức Chúa Trời, vượt trên mọi ân tứ, tri thức, chức vụ, tài năng, công lao...; vượt trên cả đức tin và hi vọng. (1Cô-rinh-tô 13:1-3, 8, 13.)
Giữ ba điều sau đây sẽ giúp bạn không phải hoang mang bối rối trước những lời giảng dạy mới lạ:
Lấy đức tin nơi tình yêu của Cha, ân sủng của Con và sự cảm thông của Linh để học, tin và sống theo Kinh Thánh.
Tôn trọng hệ thống tín lý và tổ chức của hệ phái của bạn; vâng phục các mục sư, giáo sư trong hội thánh địa phương của bạn.
Đặt tình yêu thương lên trên tri thức, ân tứ, tài năng, quyền lợi v.v… trong mọi việc với mọi người.
Comments