top of page
Ảnh của tác giảBầy Nhỏ

Giúp đọc Kinh Thánh - Xuất Ai Cập Ký 12

Đã cập nhật: 3 thg 8

Đọc Sách Xuất Ai Cập Ký tại 'đây'.

(12:1-49) Người Y-sơ-ra-ên có hiểu lý do của những giới hạn trong lễ Vượt Qua?

Có lẽ tại thời điểm này họ chưa hiểu. Những quy định có thể giống như một cách để thử đức tin hoàn toàn của dân Y-sơ-ra-ên đối với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, từng giới hạn đều cần thiết bởi vì hoàn cảnh lúc đó. Mối lo cần phải hành động gấp rút, việc chuẩn bị để lên đường, tình đoàn kết trong dân sự và ý thức ân điển của Đức Chúa Trời dành cho người Y-sơ-ra-ên đã tạo cảm hứng cho hầu hết các giới hạn. Những lễ Vượt Qua sau đó sẽ trả lời cho câu hỏi của con trẻ, “Những điều này có nghĩa là gì?” (12:26; 13:3,14; Phục-truyền 4:9).

(12:15) Ăn đồ có men có gì sai?

Nướng bánh với men yêu cầu ta phải giữ một phần bột đã lên men từ mẻ trước. Khi thêm vào bột tươi, nó sẽ thúc đẩy quá trình lên men và, sau một thời gian, làm cho bột nở. Việc cấm men nhấn mạnh tính cấp thiết của sự gấp rút và sự trong sạch. Trong lễ Vượt Qua, men trở thành biểu tượng của tội lỗi và sự ô uế (Ma-thi-ơ 16:6; 1 Cô-rinh-tô 5:6-8).

(12:15) Bị loại trừ khỏi Y-sơ-ra-ên

Điều này chắc có nghĩa là bị trục xuất hoặc xa lánh. Tuy nhiên trong một số trường hợp, câu nói này có thể chỉ đến án tử hình (Lê-vi Ký 20:2-3). Xem mục Bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Ta (Lê-vi Ký 22:3).

(12:23) Thiên sứ hủy diệt

Một linh do Đức Chúa Trời sai đến để đem sự phán xét trên người Ai Cập, còn được miêu tả là một đoàn thiên sứ hủy diệt (Thi-thiên 78:49). Một số nghĩ rằng thiên sứ tốt có thể đem đến cả ơn phước hoặc diệt vong tùy vào chỉ thị của Đức Chúa Trời. Số khác đề nghị rằng đây có thể là Sa-tan hoặc một trong những thiên sứ của hắn. Dù thế nào đi chăng nữa, Đức Chúa Trời đã dựng nên kẻ hủy diệt để thực hiện việc tàn phá (Ê-sai 54:16).

(12:29) Tại sao con đầu lòng phải chết?

Hậu quả của việc chống lại Đức Chúa Trời rất là khủng khiếp. Thảm kịch này là cần thiết để thuyết phục Pha-ra-ôn phóng thích dân Y-sơ-ra-ên khỏi chế độ nô lệ. Sự kiện này trở thành một phần quan trọng trong chủ đề cứu chuộc của Kinh Thánh, có nghĩa để mua hoặc chuộc lại một mạng sống này bằng một mạng sống khác. Con đầu lòng của người Y-sơ-ra-ên được tha khỏi sự chết vì họ đã dâng chiên con để trả giá chuộc.

(12:35-36) Tại sao người Ai Cập lại sẵn lòng để cho mình bị cướp đoạt?

Một số nghĩ rằng người Y-sơ-ra-ên đã lợi dụng người Ai Cập, nhưng điều khả dĩ hơn sự cướp đoạt này là một phong tục của người Ai Cập, tượng trưng cho sự chuyển dịch từ một người nô lệ thành một người tự do. Trong một số nền văn hóa cổ đại, chủ nô sẽ ban thưởng cho nô lệ được phóng thích. Với một hành trình dài phía trước họ, dân Y-sơ-ra-ên cũng sẽ cần sự hỗ trợ này. Đồng thời, người Ai Cập, sau khi bị tàn phá bởi những tai vạ, có vẻ sẽ rất vui mừng khi tống khứ được dân này và Đức Chúa Trời của họ.

(12:37) Bao nhiêu người Y-sơ-ra-ên đã rời khỏi Ai Cập?

Với đạo quân thường trực gồm 603,550 người (38:26), tổng số dân Y-sơ-ra-ên có thể vượt hơn con số hai triệu.

(12:38) Tại sao người ngoại bang lại đi theo dân Y-sơ-ra-ên?

Sau khi bị ám ảnh bởi những tai vạ, nhiều người Ai Cập chắc chắn rất muốn rời khỏi khu vực xảy ra thiên tai. Một số có thể được thúc đẩy bởi đức tin khi chứng kiến quyền năng Đức Chúa Trời thực hiện cho con dân của Ngài. Số khác, có thể là bạn bè của người Y-sơ-ra-ên.

(12:40) Tại sao Đức Chúa Trời lại chờ 430 năm để giải phóng dân của Ngài?

Trong hầu hết khoảng thời gian đó, người Y-sơ-ra-ên sẵn lòng và là khách được chào đón trong xứ Ai Cập. Sự nô lệ của họ có thể bắt đầu khoảng 125 năm trước khi sự kiện xuất Ai Cập. Chúng ta không biết lý do Đức Chúa Trời chọn thời điểm này, nhưng Đức Chúa Trời đã trả lời khi Ngài nghe tiếng kêu than của dân Y-sơ-ra-ên (Xuất Ai Cập 2:23).

Comments


bottom of page