Đọc Sách Xuất Ai Cập Ký tại 'đây'.
(11:9-10) Thay vì mười tai vạ, tại sao không đi thẳng đến tai vạ cuối cùng?
Số lượng và sự lựa chọn những tai vạ có tầm quan trọng kể cả về tôn giáo lẫn chính trị. Mỗi tai vạ lần lượt chứng tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời trên mỗi vị thần chủ chốt của Ai Cập (Sông Nin – thần Hapi; mặt trời/bóng tối – thần Ra; súc vật – thần Hathor/Apis; ếch nhái – thần Hept). Mỗi tai vạ đồng thời cũng thúc đẩy Pha-ra-ôn tới gần hơn mục tiêu cuối cùng của Môi-se: Sự tự do của dân Y-sơ-ra-ên. Ban đầu, Pha-ra-ôn đồng ý cho người Y-sơ-ra-ên dâng sinh tế ngay trong xứ nầy (8:25). Sau đó, Pha-ra-ôn đồng ý cho phép chỉ những người nam được đi (10:11), rồi cho phép tất cả mọi người được đi nhưng không được mang theo của cải hay gia súc (10:24). Sau cùng, người Y-sơ-ra-ên “bị đuổi khỏi” Ai Cập, và không chỉ với của cải vật chất của chính mình, mà còn mang cả tài sản báu vật của người Ai Cập.
(11:3) Tại sao Đức Chúa Trời lại làm cứng lòng một số người?
Tại sao có sự khác biệt này? Theo một cách, chỉ có Đức Chúa Trời biết. Như Phao-lô nói, “Đức Chúa Trời muốn thương xót ai thì thương xót, Ngài muốn làm cứng lòng ai thì làm.” (Rô-ma 9:18).
Tuy nhiên, theo quan điểm của con người, chúng ta thấy có nhiều yếu tố để giúp giải thích sự khác biệt này. Pha-ra-ôn coi người Y-sơ-ra-ên là lao dịch miễn phí – một công cụ cần thiết để thực hiện những tham vọng của mình. Mặt khác, người dân Ai Cập có thể dễ dàng cảm thông với tình trạng nô lệ của người Y-sơ-ra-ên hơn. Xem mục: Ai đã làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng? (10:1).
Chúng ta biết rất ít về nguồn gốc của những cảm xúc sâu thẳm nhất bên trong chính mình. Những động lực và dục vọng, định kiến và sở thích của chúng ta, bắt đầu hình thành từ đâu? Có phải chúng là kết quả của di truyền, môi trường hay quá trình sinh hóa? Hay chúng được chọn lựa một cách có chủ ý?
Kinh Thánh dạy Đức Chúa Trời điều khiển cả vũ trụ. Kinh Thánh cũng đồng thời dạy rằng con người có thể vâng lời hoặc không vâng lời mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Sự kiểm soát của Đức Chúa Trời ảnh hưởng đến ý chí tự do của con người như thế nào? Trong trường hợp con người hoàn toàn có sự tự do để lựa chọn thái độ và quan điểm của chính mình, điều này có vẻ làm suy giảm quyền năng tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Mặt khác, nếu Đức Chúa Trời khiến cho một cá nhân cụ thể cứng lòng và chống đối Ngài, điều này có vẻ như Đức Chúa Trời là tác giả của sự ác.
Mối liên kết giữa quyền tối thượng của Đức Chúa Trời và ý chí tự do của con người vẫn là một bí ẩn.
Comentarios