Đọc Sách Xuất Ai Cập Ký tại 'đây'.
(10:1; xem 9:34) Ai đã làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng?
Nếu Pha-ra-ôn bị xét xử và những hậu quả gây ra bởi chính ý chí tự do của vua, chúng ta sẽ không có vấn đề gì cả; Pha-ra-ôn xứng đáng nhận những điều đó. Nhưng có phải Pha-ra-ôn chỉ là một quân cờ trong tay của Đức Chúa Trời?
Kinh Thánh có vẻ đã gợi ý rằng những sự kiện này – và thậm chí phản ứng của Pha-ra-ôn đối với chúng – không hoàn toàn bởi hành động của Pha-ra-ôn. Kinh Thánh miêu tả sự cứng lòng của Pha-ra-ôn bằng nhiều cách khác nhau ở nhiều thời điểm khác nhau: (1) theo một cách trung lập (Xuất Ai Cập 7:13-14; 8:19); (2) như là một hành động bởi chính ý chí tự do của Pha-ra-ôn (Xuất Ai Cập 8:15) và (3) như là một hành động bởi quyền tối thượng của Đức Chúa Trời (Xuất Ai Cập 9:12).
Nếu một vài phân đoạn miêu tả Đức Chúa Trời làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng, thì chín phân đoạn khác cho thấy Pha-ra-ôn đã tự làm mình cứng lòng hoặc bởi vì hoàn cảnh đã khiến cho Pha-ra-ôn cứng lòng (7:13,14,22; 8:15,19,32; 9:7,34,35). Chỉ khi đến tai vạ thứ sáu, Kinh Thánh mới nêu rõ là Đức Chúa Trời đã làm cứng lòng Pha-ra-ôn (9:12), sau khi Pha-ra-ôn đã chứng tỏ sự cứng đầu của chính mình vài lần rồi. Nhiều người kết luận rằng mối đe dọa của việc phản kháng Đức Chúa Trời đó là sau cùng Ngài sẽ phó mặc chúng ta cho những quyết định của chính mình (xem Rô-ma 1:24,26,28). Pha-ra-ôn có thể đã chống lại Đức Chúa Trời đến mức cuối cùng vua đã nhận ra rằng mình không còn có thể thay đổi được nữa.
Những tác giả của Cựu Ước có vẻ như không thấy mâu thuẫn gì trong vai trò của cả Đức Chúa Trời và Pha-ra-ôn. Đối với họ, tình trạng của Pha-ra-ôn có thể là kết quả của cả ý chí tự do của chính vua và kế hoạch tối thượng của Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, Pha-ra-ôn không phải là nạn nhân không may bởi hành động của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã không kéo Pha-ra-ôn, đấm đá và la hét, trái với ý muốn của vua, và buộc Pha-ra-ôn phải không vâng lời Ngài. Thực chất, Pha-ra-ôn đã cố ý chống đối Đức Chúa Trời.
Suy cho cùng, Pha-ra-ôn phải chịu trách nhiệm cho việc áp bức dân Y-sơ-ra-ên cũng như cho sự vô tín của mình. Đồng thời, ở một mức độ khác, Đức Chúa Trời cũng đã hành động. Nhiều năm sau sự kiện, Môi-se khi viết lại đã có thể nói một cách tự tin rằng Đức Chúa Trời đã hành động ngay trong cả tấm lòng cứng cỏi của Pha-ra-ôn.
Đồng thời xem mục: Tại sao Đức Chúa Trời lại làm cứng lòng một số người? (11:3).
(10:4) Châu Chấu
Hoặc cào cào, giống này hung hăng hơn. Một bầy lớn những con châu chấu này có thể tàn phá cả cánh đồng hoa màu chỉ trong vài phút.
LIÊN KẾT KINH THÁNH (10:6,13-15)
Tai vạ về châu chấu cũng được miêu tả trong Giô-ên 1:2,4,15. Đồng thời xem mục trước Châu Chấu (10:4).
(10:7) Các tai vạ đã gây thiệt hại cho Ai Cập đến mức nào?
Rất khó để có thể lượng định chính xác tầm cỡ của những thiệt hại. Một số tai vạ ảnh hưởng trực tiếp đến con người (ví dụ như ung nhọt và côn trùng cắn). Nhưng những tai vạ khác gây thiệt hại về kinh tế (tổn thất bầy gia súc và cây trồng). Thông thường thì dù chỉ một tai vạ như vậy đã đủ để có thể gây khó khăn trầm trọng. Chính các quần thần của Pha-ra-ôn tin rằng đất Ai Cập đã bị nguy vong, ám chỉ rằng họ dự kiến quá trình khôi phục kinh tế sẽ phải mất lâu dài. Nhưng có thể thiệt hại lớn nhất đến với Ai Cập là sự suy yếu về hệ thống tôn giáo: Mỗi tai vạ chứng tỏ địa vị tối thượng của Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên và hạ thấp thẩm quyền của những thần giả của Ai Cập.
(10:24) Tại sao Môi-se lại chấp nhận lời đề nghị này?
Cả Môi-se và Pha-ra-ôn hiểu rõ ẩn ý của ngày lễ thờ phượng tạm thời của dân Y-sơ-ra-ên: Người Y-sơ-ra-ên đang rời đi – vĩnh viễn. Pha-ra-ôn có thể đã định dùng gia súc để trói buộc dân Y-sơ-ra-ên và bảo đảm họ sẽ quay trở lại. Hoặc, có thể Pha-ra-ôn muốn giữ lại súc vật nếu như phải cho họ ra đi. Sau khi người Ai Cập chịu thiệt hại nặng nề về súc vật, bầy gia súc của người Y-sơ-ra-ên có thể giúp Ai Cập khôi phục lại sau những tai vạ. Cho dù động cơ của họ có là gì đi nữa, Pha-ra-ôn và Môi-se đều hiểu cái giá đắt họ phải trả.
(10:27-28) Tại sao Pha-ra-ôn lại ngoan cố đến vậy?
Sau khi những tai vạ đã tàn phá cả xứ Ai Cập, Pha-ra-ôn có thể đã nghĩ rằng mình cần dân Y-sơ-ra-ên ngay lúc này hơn bao giờ hết. Nếu như những người nô lệ được giải phóng, Ai Cập sẽ đối mặt với khó khăn kinh tế trầm trọng. Pha-ra-ôn không ở vị trí để có thể từ bỏ một lực lượng lao động dồi dào như vậy. Điều đó, cộng với lòng kiêu hãnh bị tổn thương và quyền thế bị suy giảm, đã làm cho Pha-ra-ôn quyết tâm hơn bao giờ hết để siết chặt quyền kiểm soát của mình trên dân chúng.
Comments