Cải chánh Giáo Hội là gì?
Cải chánh là sửa lại cho đúng. Cải chánh Giáo Hội là điều chỉnh, sửa đổi lại những điều sai trật của Giáo Hội, để đưa Giáo Hội trở lại đúng như Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà Chúa Giê-xu đã lập nên trên đất.
Hội thánh của Đức Chúa Trời mà cũng bị sai trật sao?
Những gì thuộc về Đức Chúa Trời thì phải thánh sạch, toàn hảo. Hội Thánh được Chúa Giê-xu giải thoát khỏi thế gian tội lỗi, đem trở về với Đức Chúa Trời, cũng được thánh hóa và toàn hảo. (Phi-líp 2:15; Hê-bơ-rơ 9:14.) Nhưng hiện nay, trên đất này, sự cứu rỗi chưa hoàn tất, nên con cái của Đức Chúa Trời vẫn vấp phạm và các hội thánh vẫn chưa toàn hảo. Kinh Thánh cho biết muôn vật trên đất, trong đó có phần thân thể của Cơ-đốc nhân, vẫn đang than thở trông chờ sự giải thoát bởi ân điển cứu rỗi của Chúa Giê-xu. (Rô-ma 8:18-27; 2Cô-rinh-tô 5:1-10.) Trong khi Hội Thánh còn trên đất, con cái của Đức Chúa Trời còn sống trong ‘thân thể hay chết’ này (Rô-ma 7:24); thì dầu về danh nghĩa, Hội Thánh đã thuộc về Đức Chúa Trời một cách xứng đáng (Ê-phê-sô 5:25-27), Cơ-đốc nhân không còn sống trong tội lỗi nữa (1Giăng 3:1-10); nhưng chắc rằng chúng ta không thể tìm thấy một cá nhân hay tập thể tín đồ nào thánh khiết, toàn hảo cả (1Giăng 1:5-10; Khải huyền 2:5). Ngay các hội thánh trong Tân Ước, như hội thánh tại Cô-rinh-tô, được gọi là “Hội Thánh của Đức Chúa Trời,” hội của các thánh đồ được “thánh hóa trong Đấng Christ Jêsus” (1Cô-rinh-tô 1:1-9), cũng đầy tội lỗi và lắm sai trật!
Nếu sai trật là điều không thể tránh được, thì cải chánh là việc bình thường phải làm. Vậy, tại sao Cuộc Cải Chánh 500 năm trước đây lại quan trọng đến thế?
Những sai trật dẫn đến cuộc Cải Chánh Giáo Hội đã từ từ đưa cả Giáo Hội đi xa lệch dần khỏi đường lối của Đức Chúa Trời mà không có mấy ai nhận ra. Sau đó, Giáo Hội tiếp tục theo con đường sai trật đến cả ngàn năm. Vì thế, việc phát hiện chỗ sai trật và nổ lực đưa Giáo Hội trở lại con đường đúng đắn đã đem lại những thay đổi rất lớn và rất quan trọng cho Giáo Hội cũng như cho loài người cả thế giới.
Tại sao Giáo Hội sai trật?
Hội Thánh là cộng đồng những người kết ước với Đức Chúa Trời, qua giao ước mới của Chúa Giê-xu. Vì tín hữu khác nhau về chủng tộc, tiếng nói, văn hóa v.v… nên để giữ Hội Thánh hiệp nhất, có sức sống và bước đi đúng đường lối của Đức Chúa Trời, toàn thể Hội Thánh phải xem Kinh Thánh là thẩm quyền cao nhất. Hội Thánh tin Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, không sai lầm, không thay đổi. Mọi người, trong mọi việc đều phải dựa vào Kinh Thánh để xác định đúng - sai, tốt - xấu. Sự sai trật của Giáo Hội bắt nguồn từ chỗ vì muốn nắm quyền kiểm soát, Giáo Hội đã tập trung quyền hành cho một số người lãnh đạo và đã đặt thẩm quyền của họ lên cao hơn thẩm quyền của Kinh Thánh.
Giáo Hội đã sai trật như thế nào?
Thời Cựu Ước, người lãnh đạo thuộc linh được Đức Chúa Trời ban cho đầy dẫy Đức Thánh Linh. Sự xức dầu và quyền năng từ Thánh Linh đem lại cho các tôi tớ của Đức Chúa Trời thẩm quyền để dẫn dắt dân sự Đức Chúa Trời đi đúng đường lối của Ngài. Thời Tân Ước, Chúa Giê-xu ban Thánh Linh cho toàn thể Hội Thánh, (Giăng 16:7-15; Công vụ 2:14-18.) Tất cả tín hữu đều bình đẳng, gắn kết với nhau nhờ tình huynh đệ trong Chúa Giê-xu. Các sứ đồ có thẩm quyền lãnh đạo Hội Thánh là do Chúa Giê-xu chọn họ để truyền dạy Đạo mà họ đã nhận trực tiếp từ Ngài, (Mác 3:14, 10:32; Ma-thi-ơ 28:20; Công vụ 1:21-26.) Đến lược mình, các sứ đồ cũng truyền dạy Đạo trực tiếp cho một số môn đồ. Lời dạy của các sứ đồ được ghi chép lại, và được Hội Thánh công nhận là Kinh Thánh, có thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời cũng như Kinh Thánh Cựu Ước. (2Phi-e-rơ 1:20; 3:16.) Khi Giăng, vị sứ đồ cuối cùng qua đời, thì Kinh Thánh Tân Ước đã viết xong. Sau khi các sứ đồ đã qua đời, các giáo phụ (môn đồ của các sứ đồ) lãnh đạo Hội Thánh dựa trên nền tảng Kinh Thánh, gồm cả Cựu và Tân Ước. Hội Thánh vẫn hiệp một vững vàng trong đường lối của Đức Chúa Trời.
Giáo Hội bắt đầu chuệch choặc khi tất cả giáo phụ đều đã qua đời. Vì không ai có đủ uy tín như các sứ đồ và các giáo phụ, để giải quyết những bất đồng trong cách hiểu Kinh Thánh, nên Hội Thánh có nguy cơ chia phe lập phái và có thể bị lôi kéo theo tà giáo. Để loại trừ tà giáo và giữ sự hiệp nhất, Giáo Hội đã tập trung quyền hành cho các nhà lãnh đạo. Thế là thẩm quyền thuộc linh không chỉ dựa trên Kinh Thánh, mà còn dựa trên những người đặc biệt được Đức Chúa Trời lựa chọn. Vì không có cách nào để xác định rõ ràng một người được Đức Chúa Trời lựa chọn, nên nếu ai được công nhận là giám mục, thì người ấy phải được tôn trọng như là người được Chúa ban thẩm quyền hơn tất cả các trưởng lão khác. Để duy trì sự hiệp nhất Giáo Hội cả thế giới, thì phải có một vị giám mục được xem là có thẩm quyền cao hơn tất cả những giám mục khác. Với nhiều cách và với nhiều yếu tố, cuối cùng Giáo Hội đã giải quyết vấn đề, bằng cách công nhận giám mục tại Rô-ma là người kế thừa ngôi vị đứng đầu Giáo Hội của sứ đồ Phi-e-rơ. Để tạo uy quyền cho người đứng đầu, Giáo Hội đã thần thiêng hóa Giám mục tại Rô-ma. Ông được xưng là giáo hoàng và được công nhận rằng ông không bao giờ mắc sai lầm, vì được Đức Chúa Trời ban cho ơn vô ngộ để dẫn dắt Giáo Hội. Về lý thuyết, Giáo Hội đã thành công trong việc duy trì sự thống nhất của Hội Thánh dưới hai thẩm quyền: (1) Thánh Kinh, và (2) Thánh Truyền (Những gì giáo hội truyền dạy dưới thẩm quyền của giáo hoàng.) Nhưng trên thực tế, Kinh Thánh mất chỗ đứng trong Giáo Hội cũng như trong tấm lòng của tín hữu. Hội Thánh bị chi phối bởi những con người. Mà đã là người thì có ai mà không mắc sai lầm???!!!
Giáo Hội sai trật trong những việc gì?
Sai trật gốc là đưa thẩm quyền của con người lên trên thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời. Sai lầm này đã dẫn Giáo Hội đến nhiều điều trái với Kinh Thánh. Trong những điều sai trật đó, điều chính yếu đã dẫn đến cuộc cải chánh là giáo lý cứu rỗi, chân lý nền tảng cho Hội Thánh của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Giáo Hội dạy rằng dầu Chúa Giê-xu đã đền tội thay cho loài người bằng cách chết trên cây thập tự, nhưng một người muốn được sự sống đời đời và được vào thiên đàng thì không những phải tin nhận Chúa Giê-xu, mà còn phải cố gắng tự lực tìm kiếm ân điển của Đức Chúa Trời cho chính mình. Vì Đức Chúa Trời ban ân điển qua Giáo Hội, nên tín đồ phải nhờ hàng giáo phẩm của Giáo Hội, dùng các thánh lễ mà ban phát ân điển của Đức Chúa Trời cho. Theo giáo lý này, nhu cầu tâm linh của cá nhân bị phụ thuộc vào Giáo Hội, và mối liên hệ với Đức Chúa Trời của tín đồ phụ thuộc vào hàng giáo phẩm. Vì thế, sự dạy dỗ này đã trao quyền lực rất lớn cho chức sắc của Giáo Hội. Trên thực tế, giáo lý này còn bị lạm dụng để tập trung quyền lợi cho chức sắc Giáo Hội. Từ một Hội Thánh của những người không có phần phúc lợi gì trong thế gian, (1Cô-rinh-tô 1:26-31.) chỉ dốc sức đem tình yêu của Đức Chúa Trời ra cứu giúp loài người; Giáo Hội đã dần dần trở thành tổ chức hùng mạnh và giàu có nhất hành tinh, thống trị cả thế giới trong nhiều thế kỉ.
Nhờ nghiên cứu Kinh Thánh, các nhà cải chánh Giáo Hội phát hiện sự cứu rỗi được Chúa Giê-xu cung ứng và được Đức Chúa Trời ban cho cách vô điều kiện, tội nhân chỉ lấy đức tin để tiếp nhận, mà không cần phải nhờ vào một điều gì khác từ loài người (Rô-ma 3:21-30; Ê-phê-sô 2:8-9.) Nổ lực cải chánh Giáo Hội là do khao khát trở lại với chân lý Kinh Thánh, mà cũng là ước muốn tìm được sự tự do về tâm linh Đức Chúa Trời đã ban cho loài người, mà đã bị các chức sắc Giáo Hội tước bỏ!
Cuộc cải chánh Giáo Hội đã được thực hiện như thế nào?
Những nhà cải chánh Giáo Hội có những bước đi giống nhau, như sau:
- Họ hết lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời. Khi không thỏa lòng với sự cung ứng của Giáo Hội, họ tìm đến Kinh Thánh, bất chấp khó khăn, trở ngại. (Công vụ 17: 24-28.)
- Khi đã khám phá chân lý Kinh Thánh, họ tin và sống theo điều Kinh Thánh dạy, dù phải trả giá cho đức tin bằng cả mạng sống của mình.
- Khi có cơ hội, họ chia sẻ chân lý Kinh Thánh cho người khác, dầu bị phỉ báng như những người gieo rắc tà giáo và bị bắt bớ như những kẻ chống đối Giáo Hội.
- Một số người đứng lên, yêu cầu các cấp lãnh đạo Giáo Hội thay đổi giáo lý cho phù hợp với Kinh Thánh. Các lãnh đạo Giáo Hội không những từ chối yêu cầu của họ mà còn đàn áp và dập tắt mọi ý đồ cải cách Giáo Hội.
Đến năm 1517, khi Martin Luther công bố 95 luận đề, thì nhờ có nhiều người đáp ứng và bênh vực nên cuộc cải chánh trở thành một phong trào lớn mạnh. Dầu giáo quyền đã trấn áp rất mạnh, nhưng Đạo Tin Lành của Chúa Giê-xu theo đúng Kinh Thánh (Ê-phê-sô 1:13; Ma-thi-ơ 4:13; Mác 1:15; 16:15; Công vụ 5:42; Ga-la-ti 1:7-12,) - đã được khôi phục và tiếp tục được truyền bá cho đến ngày nay.
Còn Giáo Hội thì sao? Giáo Hội đã sửa đổi như thế nào?
Kỉ niệm 500 năm Cải Chánh Giáo Hội, chúng ta cảm tạ Đức Chúa Trời và tri ân những nhà cải chánh đã chịu nhiều hi sinh để Đạo Tin Lành được phục hồi và tín đồ được tự do về phương diện tâm linh. Nhưng nói về cải chánh Giáo Hội, thì phải nhìn nhận là đã thất bại. Giáo Hội không hề sửa đổi – có thể vì không muốn, nhưng xem ra là vì không thể sửa đổi. Sau cuộc chiến về thần học, đến cuộc chiến pháp lý mà không giải quyết được bất đồng; Giáo Hội đã trải qua cuộc chiến tranh bạo lực, đỗ nhiều máu và nước mắt mà vẫn không tìm được tiếng nói chung. Cuối cùng, Giáo Hội phải chấp nhận cuộc ‘ly dị’. Những người tin theo Kinh Thánh đẫ tách ra khỏi Giáo Hội và hình thành những giáo hội cải chánh. Hội Thánh không giữ được tổ chức giáo hội chung của toàn thế giới nữa!
Sau đó, các lãnh đạo Hội Thánh đã hiểu và giải quyết vấn đề Hội Thánh Hiệp Nhất như thế nào?
Giáo hội dưới quyền Giáo hoàng La-mã vẫn tự nhận tổ chức giáo hội mình là Hội Thánh chung (công giáo) của loài người, đúng thật là Hội Thánh của Đức Chúa Trời được truyền lại từ các sứ đồ của Chúa Giê-xu (tông truyền.) Các nhóm tín đồ tách ra khỏi giáo hội La-mã thì không tìm được quan điểm thống nhất về Hội Thánh chung. Vì thế, các nhóm cải chánh đã không lập một tổ chức giáo hội chung, mà phân chia thành nhiều hệ phái Tin Lành tùy thuộc vào sự khác biệt về tín lý hoặc (và) về thể chế, về cách tổ chức giáo hội. Cho đến ngày nay, các nhà thần học cũng như các lãnh đạo Hội Thánh vẫn bất đồng về tính chất và hình thái của Hội Thánh Phổ Thông.
Là một người tin Chúa Giê-xu, tôi nên suy nghĩ hay nên có thái độ thế nào đối với sự cải chánh Giáo Hội?
Chúng ta không đủ điều kiện, kiến thức và khả năng để dự phần cải cách Giáo Hội. Chúng ta chắc rằng Đức Chúa Trời quyền năng và yêu thương luôn quan phòng và dẫn dắt Hội Thánh. Phần của chúng ta là khiêm nhường và tin cậy lắng nghe giáo huấn của Cha Thiên thượng, thường được tỏ bày qua các sự kiện lịch sử. Xin chia sẻ với anh chị em vài suy nghĩ sau.
- Thiết lập mối liên hệ và giữ sự tương giao với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu, để được Chúa Thánh Linh dùng Kinh Thánh dạy và huấn luyện chúng ta (2Ti-mô-thê 3:14-17.) Ngoài Kinh Thánh ra thì không để cho đức tin và đời sống của chúng ta phụ thuộc vào một cá nhân hay tổ chức nào trên đất này. Cũng không để cho một người nào bị phụ thuộc vào chúng ta về mặt đức tin. (Ma-thi-ơ 23:8-12.)
- Thuận phục tất cả các bậc cầm quyền trên đất với lòng tin cậy, và tôn kính Đức Chúa Trời. (Rô-ma 13:1; Tít 3:1.) Chúng ta không cần và không có quyền xét đoán tư cách của các bậc cầm quyền (Ma-thi-ơ 23:1-3; Rô-ma 14:4,) nhưng phải xem xét và chịu trách nhiệm về việc làm theo những yêu cầu của các bậc cầm quyền. Vì “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta.” (Công vụ 4:1-31; 5:29.)
- Lấy việc thực thi Đại Điều Răn của Chúa Giê-xu đặt trên mọi nguyên tắc, mọi luật lệ trong mọi mối quan hệ. (Ma-thi-ơ 22:36-40.) Vì “hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời của” chúng ta (Lu-ca 10:27,) nên chúng ta ta sẽ dẹp bỏ cái tôi của mình; để Chúa Giê-xu là trung tâm của đời sống mình. (2Cô-rinh-tô 5:13-15.) Và khi vâng lời Chúa “yêu thương người lân cận như chính mình” (Lu-ca 10:27,) chúng ta có thể yêu thương cả kẻ thù nghịch mình kia mà! (Ma-thi-ơ 5:43-48.) Thế thì chắc rằng chúng ta cũng có thể vượt qua mọi khác biệt để chấp nhận và hiệp thông với anh chị em cùng chúng ta xưng Giê-xu là Chúa và nhận Đức Chúa Trời là Cha!
Chúa Giê-xu dạy: “Ta ban cho các con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu thương nhau. Như Ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì bởi đó, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đồ Ta.” (Giăng 13:34-35.) Ngài cũng đã hứa: “Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ. Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.” (Ma-thi-ơ 18:19-20.) Theo lời Chúa, thì cho dầu không có một tổ chức giáo hội chung trên thế giới, dầu các bậc cầm quyền các giáo hội đang mãi lo tranh chấp quyền hành, dầu các nhà thần học vẫn không ngừng tranh cãi hơn thua; nhưng nếu chúng ta tin cậy và vâng lời Chúa, vượt qua các rào cản về văn hóa, chủng tộc, xã hội, giáo phái v.v… để giữ sự hiệp thông trong tình yêu của Chúa Giê-xu thì Hội Thánh toàn hảo của Chúa Giê-xu thực sự hiện hữu và vẫn nhờ Cha ban ơn phước cho để thực hiện được sứ mệnh của Hội Thánh trên đất này, cùng nhau chuẩn bị thế giới sẵn sàng chào đón Chúa chúng ta trở lại trong vinh quang.
Kommentare