top of page
Ảnh của tác giảBầy Nhỏ

CHÚA CHÚNG TA 2-5: Công Dụng của Biểu Tượng

Đã cập nhật: 6 giờ trước

Làm thế nào để học Kinh Thánh vừa vui thích vừa hiệu quả?

Nói đến Kinh Thánh người ta thường nghĩ đến một quyển sách chứa đầy đạo lý cao siêu, giáo huấn khô khan chỉ thích hợp cho người đạo cao đức trọng.

Nhưng xưa nay trên khắp thế giới, từ em thiếu nhi cho đến nhà bác học – vô số người tìm thấy niềm vui thích khi đọc Kinh Thánh mà vẫn nhờ đó mà trở nên người sống cuộc đời đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Bài học về Công Dụng của Biểu Tượng giúp các học viên biết cách học Kinh Thánh vừa vui thích vừa có kết quả trong cuộc sống. Học viên còn được khích lệ dùng biểu tượng để chia sẻ, giảng dạy Kinh Thánh hiệu quả hơn.

📖Link tài liệu Chúa Chúng Ta:

-----

⏱ 00:00 - Mở Đầu

⏱ 00:58 - Ôn Bài 2-4: Pha-ri-si & Sa-đu-sê

⏱ 03:25 - Bài 2-5: Công Dụng của Biểu Tượng

⏱ 03:48 - Giăng Báp-tít sử dụng Biểu Tượng

⏱ 05:51 - Biểu tượng Rắn Độc: Phái Pha-ri-si và Sa-đu-sê

⏱ 07:34 - Sứ điệp Ăn Năn của Giăng Báp-tít

⏱ 08:00 - Chúa Giê-xu sử dụng Biểu Tượng

⏱ 10:01 - Một số Biểu Tượng trong Kinh Thánh

⏱ 10:49 - Để có được 'Kết Quả'...

⏱ 11:19 - Học Kinh Thánh cách thú vị và kết quả

⏱ 12:20 - Học dùng Biểu Tượng cách khôn ngoan

⏱ 12:44 - Giới Thiệu bài 2-6: Chúa Giê-xu Chịu Báp-têm

-----

🎵Intro & Outro🎵: Good For The Soul - by Asher Fulero

🎶Ambient🎶: Drifting at 432 Hz - by Unicorn Heads

-----

CÔNG DỤNG CỦA BIỂU TƯỢNG

Năm Chuẩn Bị của chức vụ Chúa Giê-xu được Ma-thi-ơ ghi lại trong Ma-thi-ơ 3:1-4:12. Câu chuyện đầu tiên chép trong Ma-thi-ơ 3:1-6, cho biết Giăng Báp-tít giảng rằng Nước Trời đã đến gần, và muốn được vào đó, cần phải ăn năn. Ăn năn là thay đổi thái độ đối với tội lỗi. Giăng dạy báp-têm và kết quả là hai dấu hiệu bên ngoài của lòng ăn năn. Tuy nhiên, chỉ có một dấu hiệu là bằng chứng chắc chắn bày tỏ lòng ăn năn thật, đó là có kết quả. Cũng như các tiên tri Cựu Ước, Giăng Báp-tít đã dùng nhiều biểu tượng làm ví dụ để giúp cho bài giảng dễ hiểu hơn.

BIỂU TƯỢNG là điều được dùng để TƯỢNG TRƯNG cho một điều khác. Cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho Việt Nam. Cây Thập Tự tương trưng cho Cơ-đốc Giáo. Chim bồ câu cũng là một Biểu Tượng vì thường được dùng để tượng trưng cho Chúa Thánh Linh. Trong Ma-thi-ơ 3:7-12, Giăng Báp-tít đã dùng đến 6 biểu tượng: 1) Rắn lục, c. 7; 2) Cây không ra trái, c. 10; 3) Lửa, cc. 10,11,12; 4) Lúa mì, c. 12; 5) Kho (vựa), c. 12; 6) Rơm rạ, c. 12.

Trong số những người đến xin Giăng Báp-tít làm lễ báp-têm, có thành viên của hai giáo phái Do-thái chính, phái Pha-ri-si và phái Sa-đu-sê. Người Pha-ri-si vâng giữ luật pháp Môi-se rất nghiêm nhặt, nhưng đời sống của họ thì không có kết quả (Ma-thi-ơ 23:2-3). Người Sa-đu-sê thì đòi hỏi người ta tôn trọng họ vì địa vị và công việc của họ trong Do-thái giáo, nhưng từ suy nghĩ đến lối sống của họ không có gì là tôn kính Đức Chúa Trời. Giăng Báp-tít gọi người Pha-ri-si và Sa-đu-sê là rắn lục, biết chạy thoát cơn hỏa hoạn, nhưng chất độc trong nó vẫn không thay đổi. Họ ăn năn, nghĩ rằng sẽ nhờ đó thoát được cơn giận của Đức Chúa Trời. Nhưng bản chất tội lỗi của họ thì không hề thay đổi. Họ muốn được Giăng làm báp-têm cho, không phải để bày tỏ lòng ăn năn chân thành, nhưng chỉ vì muốn người khác thấy họ thiêng liêng! (Ma-thi-ơ 23:5). Họ rất tự hào về chính mình, nhất là vì họ là con cháu của Áp-ra-ham. Nhưng Giăng nói dứt khoát rằng nếu lúc này họ không thật lòng ăn năn, thì họ không được vào Nước Trời. Một ngày nào đó, họ vẫn bị “ném vào lửa” (3:9-10). Chúng ta thuộc về Nước Trời không phải vì được sinh ra trong gia đình tín đồ, vì đã được làm báp-têm, hay là nhờ sùng đạo và đi nhà thờ thường xuyên. Muốn được cứu và được vào Nước Trời, cần phải ăn năn thật lòng!

Chúa Giê-xu cũng dùng nhiều biểu tượng để giảng dạy. Ngài dùng ‘ngôi mộ tô trắng’ làm biểu tượng cho người Pha-ri-si, là những người chú trọng giữ tẩy sạch bên ngoài theo các lễ nghi tôn giáo, mà trong lòng thì thối nát về tâm linh và đạo đức. Chúa nói Giăng Báp-tít là ‘đuốc thắp sáng’ vì ông hướng dẫn người ta đến với Chúa Giê-xu.  Ngài là ‘cái cửa’ để qua Ngài chúng ta bước vào sự sống đời đời. Ngài là ‘đường đi’, vì nhờ Ngài, chúng ta được trở về với Đức Chúa Trời, và tiếp tục sống đời sống của con Đức Chúa Trời trên trần gian này. Là ‘bánh’ Ngài thỏa đáp nhu cầu cho sự sống đó. Là ‘người chăn hiền lành’, Ngài chăm sóc và hướng dẫn chúng ta cho đến cuối hành trình sự sống.

Bằng cách dùng biểu tượng làm ví dụ, các tiên tri, Giăng Báp-tít và Chúa Giê-xu truyền dạy đạo lý sâu nhiệm của Đức Chúa Trời cho loài người rất hiệu quả. Biểu tượng là những hình ảnh rất quen thuộc đối với người nghe, nhưng có điều gì đó giống với đạo cao siêu đang được giảng dạy. Dù đạo rất mới lạ và khó hiểu, nhưng nhờ kết nối đạo đó với những hình ảnh họ đã biết rõ, cho nên người nghe đạo có thể cảm nhận được ý nghĩa của đạo dễ dàng hơn. Ê-phê-sô 4:14, dùng ‘trẻ con’, một hình ảnh ai cũng biết rất rõ, để làm biểu tượng cho người tín đồ đức tin non yếu, dễ bị dụ dỗ theo tà giáo. Chúng ta thường tưởng rằng Cơ-đốc nhân nổ lực tu tập thì sẽ có được những phẩm chất của một Cơ-đốc nhân, như là yêu thương, nhẫn nại v.v… Nhưng Ga-la-ti 5:22 dạy rằng những phẩm chất đó là kết quả công việc của Chúa Thánh Linh hành động trong người tin đồ. Để giúp chúng ta hiểu được chân lý này, Phao-lô gọi yêu thương, vui mừng, bình an, nhân từ, hòa nhã, tiết độ… là ‘trái’ của Thánh Linh. Đã hiểu rồi, thay vì cố gắng khắc chế tính kiêu ngạo hay nổ lực để bỏ hút thuốc lá, bạn sẽ dành thời gian phát triển mối liên hệ với Cha trên trời qua việc học Kinh Thánh, cầu nguyện… Như cây trồng gần dòng nước, bạn sẽ lớn mạnh trong sự sống mới của con Đức Chúa Trời. ‘Kết quả’ là bạn sẽ thể hiện tình yêu, vui mừng, bình an, tiết độ… trong nếp sống hằng ngày.

Mỗi lúc học Lời của Đức Chúa Trời, bạn hãy chú ý những biểu tượng. Vì đó là những hình ảnh rất quen thuộc, nên bạn dễ dàng lưu giữ trong tâm trí và kết nối với điều mà Chúa Thánh Linh muốn dạy bạn. Sau đó, cứ ‘suy gẫm ngày và đêm’, (Giô-suê 1:8; Thi Thiên 1:2), bạn sẽ lần hồi khám phá đạo lý mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, để áp dụng vào đời sống của mình. Những lúc chia sẻ Tin Lành của Chúa Giê-xu, hay Lời của Đức Chúa Trời cho người khác, nếu muốn người nghe hiểu được, bạn cũng cần học cách dùng các biểu tượng một cách khôn ngoan.


Kommentarer


bottom of page