CHÚA CHÚNG TA 1-22: Thời Niên Thiếu của Chúa Giê-xu
- Bầy Nhỏ
- 31 thg 8, 2024
- 5 phút đọc
Đã cập nhật: 21 thg 9, 2024
Tin theo Chúa Giê-xu, bạn đã xem lời Ngài là mệnh lệnh, cuộc đời Ngài là khuôn mẫu sống chưa?
Người ta có thể học, tin và thực hành một đạo lý mà không cần quan tâm đến đời tư của vị giáo chủ khai lập đạo.
Nhưng điều Đức Chúa Trời nhằm vào cho mỗi tín đồ là bắt chước Chúa Giê-xu và trở nên giống như Ngài (Rô-ma 8:29; 1 Cô-rinh-tô 11:1).
Bài học về thời niên thiếu của Chúa Giê-xu cho thấy Chúa Giê-xu sống cuộc đời bình thường trên trần gian nhằm nêu ra một khuôn mẫu duy nhất, để mỗi người chúng ta dựa vào đó mà sống cho đúng ý muốn, đúng đường lối của Đức Chúa Trời.
Link tài liệu Chúa Chúng Ta: https://drive.google.com/drive/folders/1mjaOgwwPV4JmB_AkT-v_k4AUifZeESH5?usp=sharing
-----
⏱ 00:00 - Mở Đầu.
⏱ 00:58 - Ôn Bài 21: Quyền Tể Trị của Đức Chúa Trời.
⏱ 04:05 - Bài 22: Thời Niên Thiếu Của Chúa Giê-xu.
⏱ 04:21 - Kinh Thánh: Lu-ca 2:41-52.
⏱ 05:55 - Ảnh hưởng từ Gia Đình.
⏱ 07:30 - Ảnh hưởng từ Hội Đường.
⏱ 08:02 - Ảnh hưởng từ Trường Học.
⏱ 09:10 - Đi đến Đền Thờ; Con Trai của Luật Pháp.
⏱ 10:54 - Chúa Giê-xu ở Giê-ru-sa-lem.
⏱ 11:23 - Thiếu Niên Mẫu Mực; Gia Đình Mẫu Mực.
⏱ 12:38 - Kết Luận: Hãy bắt chước Chúa Cứu Thế!
-----
🎵Intro & Outro🎵: Good For The Soul - by Asher Fulero
🎶Ambient🎶: Drifting at 432 Hz - by Unicorn Heads
-----
THỜI NIÊN THIẾU CỦA CHÚA GIÊ-XU
Ngoài Lu-ca ra, Ma-thi-ơ và các Phúc Âm khác không nói gì đến thời niên thiếu của Chúa Giê-xu. Cũng như những thiếu niên Do Thái khác, Chúa Giê-xu lớn khôn dần trong ảnh hưởng của gia-đình, trường học và nhà hội.
Gia đình
Na-xa-rét là một thành mang tiếng xấu, đến nổi Na-tha-na-ên nói rằng “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét sao?” (Giăng 1:46). Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn một gia đình thánh khiết giữa vòng tội lỗi để thực hiện chương trình của Ngài. Ông Giô-sép, cha nuôi của Chúa Giê-xu, làm nghề thợ mộc. Cậu bé Giê-xu dành nhiều thời gian ở xưởng mộc, vừa phụ giúp Giô-sép nuôi gia đình, vừa là thợ học việc. Ma-ri, mẹ của Chúa lo việc nội trợ. Hàng ngày, bà đi ra giếng lấy nước, nhồi bột làm bánh, quét dọn, giặt giũ, may vá, dệt vải.
Chúa Giê-xu có bốn em trai: Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn và Giu-đe. Chúa có nhiều em gái, nhưng Kinh Thánh không nêu tên (Ma-thi-ơ 13:55-56). Là một người Do Thái trung tín, Giô-sép rất xem trọng việc giáo dục con cái, nhất là truyền dạy Kinh Thánh và lịch sử dân tộc, sao cho các thiếu niên Do Thái đều trở thành người tin kính, yêu mến Đức Chúa Trời (Phục Truyền. 6:5-8). Bắt đầu mỗi ngày mới, Giô-sép hướng dẫn cầu nguyện; cả nhà cùng đọc lớn: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.” (Phục Truyền. 6:5).

Nhà Hội
Ngày Sa-bát (Thứ Bảy), cả gia đình đến Nhà Hội Na-xa-rét thờ phượng Đức Chúa Trời và nghe giảng Kinh Thánh. Họ hát Thánh Ca Do Thái, gọi là Thi Thiên. Ông Ra-bi, là giáo sư Do Thái, lấy Kinh Thánh ra đọc cho mọi người nghe. Kinh Thánh lúc ấy là những “cuốn” hay “cuộn” giấy dài. Ra-bi cũng là người được quyền và có trách nhiệm giảng giải Kinh Thánh.

Trường Học
Các ngày thường, Chúa Giê-xu cũng đi đến Nhà Hội cùng bọn con trai trong làng. Nhà Hội trở nên Trường Học, Ra-bi là thầy giáo. Chúa Giê-xu học đọc, học viết, học những câu chuyện về quyền tể trị của Đức Chúa Trời, Đấng đã chọn Do Thái làm dân riêng của Ngài, che chở, chăm sóc họ. Đặc biệt là câu chuyện “vượt qua”, ngày giải phóng dân tộc khỏi Ai Cập, Đức Chúa Trời đã cứu các con trai đầu lòng của mỗi gia đình Do Thái khỏi chết, nhờ dâng con chiên không tì vít làm của lễ hy sinh. Các Ra-bi cũng dạy về hi vọng của dân Do Thái là vua của lời hứa, Đấng Thiên Sai, Đấng được xức dầu - sẽ đến; rằng Lời hứa ban một vua đã được lập với Áp-ra-ham và Đa-vít. Ngài cũng học về giai đoạn đau buồn của dân tộc mình, vì tội lỗi mà bị đày qua Ba-by-lôn, còn đền thờ vĩ đại do vua Sa-lô-môn xây cất đã bị phá hủy hoàn toàn. Ông Ra-bi thường miêu tả đền thờ hiện nay do vua Hê-rốt xây bằng vàng và cẩm thạch, đúng ngay chỗ đền thờ cũ ở Giê-ru-sa-lem. Mỗi năm, mỗi người Do Thái thành kính đều lên đền thờ này để kỉ niệm các ngày lễ tôn giáo, trọng thể nhất là lễ “Vượt Qua”. Ông Ra-bi làm cho tất cả các cậu bé Do Thái háo hức trông chờ được 12 tuổi, khi chúng được gọi là “Con Trai Của Luật Pháp”. Từ năm này, chúng có thể tham dự vào đời sống tôn giáo của dân tộc mình như một người lớn, được quyền lên thủ đô, vào đền thờ, hỏi đáp những câu hỏi về Kinh Thánh.
Đền thờ
Rồi ngày trọng đại cũng đến! Cậu bé Giê-xu cùng đám bạn trai 12 tuổi, lần đầu tiên theo gia đình lên Giê-ru-sa-lem dự lễ vượt qua. Mệt nhọc trên con đường dài hơn 110 cây số được xua tan bởi bài ca, điệu nhạc, câu chuyện kể bên đống lửa trại ấm cúng với bà con và bạn hữu. Rồi Giê-ru-sa-lem hiện ra, dường như tỏa sáng dưới ánh mặt trời. Các cậu bé thích thú ngắm nhìn những dinh thự, lầu các; ngạc nhiên trước đền thờ nguy nga tráng lệ. Chúng háo hức hòa mình vào dòng người: những thầy tế lễ và những Ra-bi đạo mạo vội vả đến đền thờ; những người dân quê thành kính cũng đến cảm tạ Chúa nhân từ; các nhà buôn tất bật tận dụng cơ hội để bán hàng; những người lính La-mã oai vệ sẵn sàng can thiệp để giữ an ninh.

Khi xong lễ Vượt qua, từng đoàn người lên đường về nhà. Vì nghĩ rằng Chúa Giê-xu đi với bạn bè, đến tối Giô-sép và Ma-ri mới biết Chúa Giê-xu còn ở lại Giê-ru-sa-lem. Họ phải mất 3 ngày mới tìm thấy Chúa, đang hỏi đáp Kinh Thánh với các giáo sư trong đền thờ. Các giáo sư thì ngạc nhiên về sự hiểu biết Kinh Thánh của Chúa Giê-xu, còn Giô-sép và Ma-ri thì không hiểu nổi điều Ngài nói về Đức Chúa Trời là Cha của Ngài.

Chúa Giê-xu trở về Na-xa-rét, vâng phục, chịu lụy mẹ và cha nuôi của Ngài. Điều cuối cùng Kinh Thánh nói về thời niên thiếu của Chúa Giê-xu là Ngài “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.” (Lu-ca 2:52). Bề ngoài, Ngài là một thiếu niên Do Thái bình thường, chỉ khác là Ngài không phạm tội. Không cần một hành động phi phàm nào, Chúa Giê-xu vẫn chứng tỏ Ngài là Con Đức Chúa Trời. Ngài cho chúng ta khuôn mẫu đời sống Cơ-đốc nhân: sống đời bình thường một cách phi thường. Khi Giô-sép qua đời, Chúa Giê-xu gánh trách nhiệm làm chủ gia đình. Mãi đến năm 30 tuổi, khi gia đình Ngài không cần bàn tay lao động của Ngài nữa, Chúa mới ra đi thi hành chức vụ.
Giô-sép Ma-ri lập một gia đình thánh khiết, làm gương sáng trong một làng vốn mang tiếng xấu. Hội thánh sẽ nhanh chóng chinh phục thế gian nếu những gia đình trong Hội thánh có giờ cầu nguyện, học hiểu Kinh Thánh, và nhất là có Chúa Giê-xu là trung tâm trong lúc làm hay ăn, học hay chơi.

Comments