top of page
Ảnh của tác giảBầy Nhỏ

Chuyện Trầu Cau, Lễ Nghi và Kinh Thánh

Chuyện trầu cau là đầu đề một cuộc thảo luận khá căng thẳng, mà hậu quả có thể dẫn đến xung đột giữa hai gia đình, gãy đổ tình cảm của một đôi tình nhân, kéo theo cả sự bất đồng giữa hai Hội Thánh! Lý do vì lá trầu, miếng cau bé tí ấy có liên quan đến phong tục, tập quán và truyền thống, vốn được xem là phương diện rất hệ trọng trong đời sống con người. Bài viết này tổng hợp các cuộc tranh luận và biên tập lại để quí vị, các bạn tham khảo và góp ý kiến.

HỎI (1): Người ta dùng trầu cau để làm gì?

ĐÁP: Ăn trầu cau là tập tục của nhiều dân tộc vùng nhiệt đới Châu Á và Châu Đại Dương. Trầu cau còn được dùng trong nghi thức xã giao và lễ nghi ở Nam Á và Đông Nam Á. Riêng Việt Nam có tài liệu ghi nhận tục ăn trầu được Vua Hùng Vương thứ IV dạy truyền cho dân từ 2000 năm trước. Nhiều nước vẫn còn tục ăn trầu cau. Nhưng ở Việt Nam hiện nay thì trầu cau chỉ mang tính chất hình thức thôi chứ chẳng có mấy người ăn trầu cau.


HỎI (2): Trong Kinh Thánh dạy gì về trầu cau?

ĐÁP: Người sống ở nơi và trong thời Kinh Thánh được viết ra không hề biết đến trầu cau. Tất nhiên, chúng ta không thể tìm được từ trầu cau trong Kinh Thánh.


HỎI (3): Nếu Kinh Thánh không dạy về trầu cau, chúng ta dựa vào đâu để cho hay là cấm dùng trầu cau trong cưới hỏi?

ĐÁP: Có rất nhiều điều khá quan trọng đối với con người, như là cách thức, lễ nghi trong cưới hỏi, tang chế v.v… mà Kinh Thánh không có hướng dẫn gì cho tín đồ. Nếu có đề cập đến thì chỉ liên quan đến phong tục, tập quán của người tại địa phương và trong thời kỳ Kinh Thánh viết ra thôi, chúng ta không thể dựa vào đó để áp dụng cho chính mình. (Ma-thi-ơ 22:1-13; 25:1-12.) Đối với những điều như vậy, chúng ta dựa vào ba nguyên tắc căn bản sau (Ma-thi-ơ 22:37-40; 1Cô-rinh-tô 10:23, 31-33; 2Ti-mô-thê 2:10):

  • Chúng ta phải dành ưu tiên cho mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Làm bất cứ điều gì cũng phải làm trong sự kính yêu Đức Chúa Trời và làm theo đường lối của Ngài.

  • Chúng ta phải yêu thương người lân cận và cố hết sức sống hài hòa với mọi người; miễn là mối liên hệ với người khác không làm tổn thương mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 12:14.)

  • Chúng ta có trách nhiệm chia sẻ tình yêu, ân điển của Chúa Giê-xu cho mọi người, nhằm vào việc thúc đẩy họ trở nên môn đồ của Chúa Giê-xu.

Đối với phong tục tập quán, chúng ta cần tôn trọng và không nên vội vàng chối bỏ phong tục tập quán của xứ sở mình. Chối bỏ phong tục tập quán sẽ đào hố ngăn cách với người chưa tin, gây cho họ có ác cảm với Tin Lành, và làm mất cơ hội chia sẻ tình yêu và ơn cứu rỗi của Chúa Giê-xu cho họ. Phong tục, tập quán đến từ kinh nghiệm truyền từ đời này qua đời kia. Trong quá trình truyền thụ kinh nghiệm, người ta khám phá điều nào đem lại tai họa, điều nào đem lại phước hạnh, rồi chọn lọc để lưu truyền những điều có giá trị. Phần lớn người ta không lý giải được mối liên hệ giữa hành vi – nhân - dẫn đến tai họa hay phước hạnh - quả, nhưng nhiều người – như người Việt chúng ta vẫn ý thức được có Đấng Chí Tôn đã đặt ra luật và đang giữ quyền phán xét. Vì vậy, dầu không thể biết đấy đủ về Đấng Tạo Hóa, người Việt về căn bản vẫn có lòng kính sợ Ông Trời. Trên căn bản này, chắc rằng trong phong tục tập quán của người Việt có rất nhiều điều phù hợp với đường lối của Đức Chúa Trời. Bởi vì nhờ lương tri và nhờ sự mặc khải tổng quát, con người vẫn có thể nhận thức được điều gì là đúng với ý chỉ của Đức Chúa Trời. (Rô-ma 1:20,32a.) Dưới đây là các bước để áp dụng ba nguyên tắc căn bản đã nêu trên đây, nhằm tránh sự xung đột giữa bổn phận yêu Đức Chúa Trời và yêu người lân cận, và để hoàn thành đại mạng lệnh của Chúa Giê-xu.

#1 - Trước hết, hãy cẩn thận dùng Kinh Thánh để lượng giá tất cả phong tục, tập quán hay truyền thống trước khi có quyết định đối với phong tục, tập quán, truyền thống đó.

  • Đừng để định kiến của bạn hay ý kiến của người khác chi phối bạn.

  • Xem xét độ đáng tin cậy của cách giải nghĩa Kinh Thánh cũng như những thông tin về phong tục, tập quán, truyền thống. Tốt nhất là có ý kiến của những nhà chuyên môn. Lý do là vì việc giải nghĩa Kinh Thánh không bao giờ dễ dàng. Còn phong tục tập quán thì cứ ‘xưa bày nay làm’. Đôi khi người ta chiến đấu đến đổ máu mà vẫn không biết mình đang bảo vệ cho cái gì.

  • Cố gắng với tất cả thiện ý tìm những điều phù hợp với Kinh Thánh. Hết sức tránh xung đột với phong tục, tập quán, truyền thống cách không cần thiết. Khi tìm thấy một điều gì có giá trị phù hợp với Kinh Thánh thì hãy tập trung vào điều đó. Làm thế, không những bạn tạo được sự hài hòa giữa bạn với người khác, mà còn thúc đẩy người đó phát triển mối liên hệ của họ với Đức Chúa Trời. Ví dụ trong chuyện trầu cau, người Việt tin rằng vì Trời rất hài lòng với tình anh em, nghĩa vợ chồng của Tân, Lang, Lưu nhị, cho họ biến thành đá vôi, cây cau và dây trầu để họ được ở mãi mãi bên nhau và nêu gương cho người đời noi theo.

  • Nhiều người giữ phong tục, tập quán, truyền thống mà không hiểu ý nghĩa. Có người tự đưa ra những cách lý giải không đúng với ý nghĩa gốc. Họ thường thiếu ánh sáng tâm linh và bị cầm giữ trong quyền lực của Sa-tan. Vì thế họ có khuynh hướng chống đối Lời của Đức Chúa Trời. Gặp người như thế, hãy bình tĩnh, ôn hòa đối thoại. Hãy cho họ thấy thiện chí của bạn và làm họ yên tâm vì bạn không hề muốn thắng hơn họ. Chúng ta cần xem xét phân biệt để chống lại những ý tưởng sai lầm của họ chứ không chống lại giá trị đúng đắn của truyền thống mà họ đang cố giữ. Thay vì xung đột với nhau, hãy cùng họ chiến đấu với Sa-tan đang trói buộc họ. Ví dụ nhiều người không biết gì về sự tích trầu cau. Nhưng khăng khăng đòi cha mẹ của cô dâu hứa phải nhận tận tay chú rễ hứa một miếng trầu têm (lá trầu đã gói sẵn một ít vôi và miếng cau.) Rồi phải nhai cho đến khi nhổ ra được một bãi bã trầu đỏ lòm. Họ tưởng rằng bãi bã trầu đỏ thắm chứng tỏ thần linh đã chứng giám cho đôi bạn trẻ. Nếu không nhai cho ra bã trầu đỏ thì chuyện tình duyên của đôi bạn sẽ không thành. Nếu có lấy nhau thì cũng không hạnh phúc.(!)

  • Khi lưu truyền qua nhiều đời thì có những phong tục, tập quán, truyền thống bị sai lệch khỏi giá trị ban đầu, hoặc là không còn thích hợp với những thay đổi của thời đại. Lúc đó, phong tục tập quán thành hủ tục hoặc là lạc hậu. Chúng ta nên trao đổi với người có liên quan để làm sáng tỏ những điều này. Tin cậy lẫn nhau và hợp tác với nhau sẽ giúp phục hồi hay nâng cao những giá trị thật mà tránh, bỏ những điều không hay, không đẹp. Ví dụ khi tục ăn trầu còn phổ biến thì miếng trầu là đầu câu chuyện. Mời nhau miếng trầu trở thành nghi thức trong giao tế. Từ chối miếng trầu có nghĩa là từ chối giao hảo với người mời trầu. Nếu không vì lý do chính đáng mà từ chối ăn miếng trầu người ta mời mình, thì đó là hành động rất thô lỗ và làm tổn thương người khác nặng nề. Trong lễ đính hôn, nhà trai mời nhà gái ăn một miếng trầu trước khi trình bày việc xin hỏi cô gái cho con trai mình. Nhà trai cũng phải đem đến cho nhà gái số trầu cau đủ để sau đó, nhà gái mời bà con thân bằng quyến thuộc mỗi người một miếng trầu, như là cách báo cáo cho người thân biết con gái của họ đã có người đính ước. Vì thế mới có chuyện người xưa muốn chứng tỏ bà con họ hàng nhà mình rất hùng mạnh nên đòi hỏi nhà trai phải nộp sinh lễ bằng hàng trăm buồng cau.

#2 – Những phong tục, tập quán hay truyền thống nào phù hợp với Kinh Thánh chúng ta nên cổ xúy. Những phong tục, tập quán, truyền thống rõ ràng trái với Lời Chúa dạy, chúng ta phải loại bỏ. Những phong tục, tập quán, truyền thống không trái với Kinh Thánh thì chúng ta cân nhắc để giữ, điều chỉnh hay loại bỏ sao cho tốt nhất.

#3 – Đừng giữ hay bỏ phong tục, tập quán, truyền thống chỉ vì háo thắng hay vì quyền lợi riêng. Luôn chú ý (1) tìm sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, (2) xem trọng quyền lợi của người khác, (3) tìm mọi cơ hội để làm chứng cho Chúa Giê-xu và chia sẻ Tin Lành.

#4 – Đừng chê bai, hay tranh cải về phong tục, tập quán, truyền thống của người khác. Đối với nhiều người, phong tục, tập quán, truyền thống là rất quan trọng, thậm chí là thiêng liêng. Bạn cần bày tỏ sự tôn trọng với người khác bằng cách tôn trọng phong tục, tập quán và truyền thống của họ.


HỎI (4): Tập tục dùng trầu cau trong cưới hỏi có ý nghĩa gì? Có trái với sự dạy dỗ của Kinh Thánh không?

ĐÁP: Trầu cau dùng trong lễ cưới, lễ hỏi là biểu tượng để đề cao, dạy và nhắc nhở về tình yêu, trách nhiệm của vợ chồng và anh chị em đối với nhau. Ý nghĩa của trầu cau lấy từ câu chuyện được tóm tắt như sau:

Sự Tích Trầu Cau

Vào thời Hùng Vương thứ 4, có hai anh em Tân và Lang rất yêu thương nhau. Khi Tân có vợ, Lang vẫn sống cùng anh chị. Anh em Tân - Lang giống nhau như đúc, nên Lưu thị, vợ của Tân thường nhầm lẫn, có khi lâm vào tình cảnh rất khó xử. Lang sợ làm ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng của anh, nên lặng lẽ ra đi. Lang đến được một con sông thì kiệt sức gục chết bên bờ, biến thành một tảng đá vôi. Tân thương và lo cho em, để vợ ở nhà, lên đường tìm Lang. Tân cũng đến được bờ con sông ấy, mệt lã ngồi dựa vào tảng đá vôi. Tân chết, biến thành cây cau. Lưu thị không thấy chồng về, lên đường tìm chồng và em chồng. Đến được bờ sông, không thể đi tiếp nữa, cô ôm cây cau mà khóc. Cô chết, biến thành dây trầu quấn quít lấy cây cau. Người đời lấy trầu, cau và vôi nhai chung thì thấy có cảm giác nồng ấm. Khi đã hòa quyện với nhau thì có màu đỏ thắm như máu. Vua Hùng biết chuyện, truyền lệnh cho nhân dân dùng trầu cau trong các lễ kết giao, hiếu hỉ để đề cao tình anh em, nghĩa vợ chồng.


Ý nghĩa của trầu cau và Kinh Thánh có những điểm chung:

  • Các mối liên hệ của loài người như là anh em hay vợ chồng là do Trời định.

  • Đạo lý hợp lòng trời đó là người ta phải có trách nhiệm và trung thành với một mối liên hệ mà Trời đã định cho họ.

  • Tôn trọng quyền lợi của người khác là bổn phận. Hi sinh cho tình yêu là nghĩa cử cao đẹp.

HỎI (5): Nếu trầu cau có ý nghĩa phù hợp với Kinh Thánh thì tại sao có hội thánh cấm dùng?

ĐÁP: Cấm dùng trầu cau cũng như nhiều điều tương tự khác không căn cứ vào Kinh Thánh, mà từ sự hình thành và phát triển của Hội Thánh với tư cách là một cộng đồng xã hội. Một cộng đồng hay tổ chức xã hội nào trong quá trình phát triển cũng hình thành những truyền thống và tập tục riêng. Nếu có thể chế thì những tập tục truyền thống sẽ được hệ thống hóa thành luật lệ. Riêng về việc cấm dùng trầu cau thì tôi chưa tìm được văn bản nào của Hội Thánh qui định rõ. Tôi cũng chưa được nghe các mục sư hướng dẫn hay giải thích gì về việc cấm dùng trầu cau. Vỉ thế, xin quí tôi tớ Chúa và anh chị em giúp trả lời cho câu hỏi trên. Tôi chỉ xin đưa một GIẢ THUYẾT có thể giải thích việc cấm dùng trầu cau trong một số hội thánh. Theo giả thuyết này thì việc cấm dùng trầu cau trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam là do các giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liệp Hiệp (C&MA), khi truyền giáo cho người Việt đã bài xích việc ăn trầu. Dần dần việc cấm dùng trầu cau trở thành TRUYỀN THỐNG riêng của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Những điều dưới đây hổ trợ cho giả thuyết này:

Các giáo sĩ C&MA thời đó chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng tiếp cận với văn hóa bản địa như các giáo sĩ hiện nay.

  • Lúc Tin Lành truyền đến Việt Nam, Phương Tây vẫn chưa khám phá được giá trị văn hóa Phương Đông. Nhiều người Phương Tây xem người Việt là lạc hậu. Nhiều giáo sĩ mang tư tưởng truyền giáo gắn liền với sứ mệnh khai hóa cho dân bản địa.

  • Người không biết về trầu câu khó mà có thiện cảm với việc ăn trầu. Họ thấy ăn trầu chẳng ngon lành hay béo bổ gì! Mà trồng, sơ chế, rồi têm cho ra miếng trầu thì rất phiền phức. Ngồi đâu cũng nhai bỏm bẽm, rồi nhổ nước trầu và nhã bã trầu ra đỏ lòm, rất là ‘mất thẩm mỹ’.

  • Trầu cau gây nghiện. Ăn trầu phải tập tành khó khăn. Nhưng đã quen rồi thì không bỏ được. Người ăn trầu đã bị trầu cau ‘bắt phục’ (1Cô-rinh-tô 6:12,) nên cần được giúp đỡ để chiến thắng tật ăn trầu.


HỎI (6): Gặp phải gia đình Tin Lành cương quyết không dùng trầu cau trong lễ cưới, lễ hỏi thì phải làm sao?

ĐÁP: Tuy Kinh Thánh không cấm trầu cau, nhưng chúng ta cần tôn trọng việc không dùng trầu cau của tín đồ Tin Lành. Dầu họ có ý thức giữ truyền thống của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, hay vì tinh thần vâng phục lãnh đạo Hội Thánh, thì cả hai đều quan trọng và thiêng liêng, đáng cho người khác phải tôn trọng.


HỎI (7): Nhưng nếu hai gia đình đang lo làm lễ đính hôn cho con cái mà một bên đòi phải có trầu cau còn bên kia thì nhất quyết không chịu thì phải giải quyết thế nào?

ĐÁP: Có nhiều bất đồng, nhất là bất đồng do tập tục, truyền thống thì chúng ta không thể dùng lý lẽ để giải quyết được. Đức Chúa Trời vẫn thường cho phép những bất đồng như thế tồn tại trong các mối quan hệ của loài người. Chính nhờ những bất đồng nghiêm trọng và không thể giải quyết, loài người mới học để yêu thương nhau đúng như cách Đức Chúa Trời muốn, tức là yêu nhau như Chúa Giê-xu đã yêu loài người chúng ta. Tình yêu và ân sủng là chìa khóa khai mở bế tắc của luật lệ. Nếu mọi người thật sự có lòng yêu thương và cảm thông, sẽ không ‘làm điều gì vì lòng ích kỷ, hoặc vì hư vinh, nhưng khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình, không chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, nhưng quan tâm đến lợi ích của người khác nữa’ (Phi-líp 2:1-6), thì chắc sẽ tránh được xung đột và tìm được cách vượt qua những bất đồng.


Comments


bottom of page