HỎI: Trong hội thánh bất đồng về cách thờ phượng. Một số muốn có những đổi mới cho sinh động. Một số lại đòi phải giữ trang nghiêm đúng theo cách truyền thống xưa nay. Ai đúng? Ai sai?
ĐÁP: Những bất đồng về cách thờ phượng là bất đồng giữa những người thủ cựu và những người cấp tiến. Người thủ cựu muốn bảo vệ những giá trị truyền thống để giữ cho hội thánh ổn định. Còn người cấp tiến muốn có thay đổi để tiến bộ.
Tôi có nghe kể trước đây, nhiều hội thánh tại Việt Nam nhóm lại khá ồn ào. Hội Thánh hát thánh ca với hàng chục bè, được đệm bởi ban nhạc với đờn cò, ống sáo, trống cơm… mà nhạc đi đằng nhạc, hát đi đằng hát. Các bà nhai trầu bỏm bẻm và rất vô tư phun bã trầu ngay trên nền nhà nguyện! Vì hội thánh phải qua thời gian dài, gian khó mới xây dựng nên cách thức nhóm lại nề nếp ổn định, cho nên người thủ cựu cố giữ cách thờ phượng trang nghiêm cũng như bảo vệ những giá trị truyền thống khác. Họ sợ những thay đổi sẽ gây xáo trộn, mất ổn định và có thể mất đi những gì mà hội thánh đã cố công để đạt được.
Về cách thờ phượng phi truyền thống, hay là hiện đại, thì tôi có đọc một tài liệu nói rằng đây là phong trào phục hồi sự thờ phượng theo Kinh Thánh, phát xuất từ một trường đại học ở Hoa Kỳ, rồi dần dần lan tràn khắp thế giới. (Rất tiếc, tôi đã bị mất tài liệu này, chưa tìm lại được.) Theo tôi nhận thấy hiện nay hầu hết các hội thánh trên khắp thế giới chịu ảnh hưởng của phong trào này và nhiều ít đã cải cách sự thờ phượng. Một số ít hội thánh, như là Faith Methodist Church ở Singapore, tổ chức thành hai buổi nhóm riêng biệt, một buổi thờ phượng truyền thống, và một buổi thờ phượng hiện đại. Những người cấp tiến thường thích cách thờ phượng hiện đại hơn. Họ cho rằng đó là sự tiến bộ trong hiểu biết và trong sinh hoạt của hội thánh.
Nói chung, hội thánh cần ổn định mà cũng cần phát triển. Cần không ngừng tiến đến những chân trời mới, nhưng cũng phải giữ sao cho đừng đánh mất gia sản thiêng liêng của cha ông để lại. Vì thế, hội thánh cần có sự đóng góp xây dựng của người thủ cựu cũng như của người cấp tiến. Bí quyết để phát triển bền vững là quân bình giữa tân tiến và truyền thống. Hội thánh thật rất phước hạnh khi có sự hài hòa giữa nhóm thủ cựu và nhóm cấp tiến.
Dưới đây là những đề nghị để bạn có thể góp phần của mình cho sự ổn định và phát triển lành mạnh của hội thánh địa phương.
Nếu bạn có khuynh hướng thủ cựu, thì hãy lắng nghe những người thích thay đổi, muốn cải cách, rồi thành thật xem lại tấm lòng và quan điểm của mình:
- Bạn có xem trọng một giá trị truyền thống bằng hoặc hơn Kinh Thánh không?
- Truyền thống mà bạn đang bảo vệ có bị lỗi thời, không còn thích hợp với hoàn cảnh hiện tại của hội thánh địa phương hay không?
- Truyền thống bạn đang cố giữ có thể là rào cản cho sự phát triển của hội thánh địa phương của bạn hay không?
- Có phải bạn cố giữ truyền thống chỉ vì đã quá quen với truyền thống ấy, vì chưa hiểu những điều mới và vì khó thích ứng với những những đổi thay?
- Có phải bạn chống lại thay đổi vì nó đe dọa đến quyền lợi hay địa vị của bạn? Nếu bạn có khuynh hướng cấp tiến, hãy lắng nghe quan điểm của những người đang cố gắng bảo vệ truyền thống, và hãy xem xét lại tấm lòng và suy nghĩ của bạn:
- Bạn đã chắc chắn về nền tảng Kinh Thánh cho những thay đổi mà bạn đề ra hay chưa? Bạn có nắm vững điều Kinh Thánh dạy đủ để trình bày rõ ràng cho anh chị em trong hội thánh không?
- Hội thánh địa phương của bạn có khả năng thích ứng với những thay đổi hay không? Ví dụ nếu hội thánh thờ phượng theo cách hiện đại, thì hội thánh có đủ người hướng dẫn, ban hát dẫn, ban nhạc… để đưa hội chúng vào sự thờ phượng sống động hay không?
- Các tín hữu trong hội thánh địa phương của bạn có theo kịp với sự thay đổi hay không?
• Tin hữu hưởng ứng sự đổi mới cách khác nhau có làm cho hội thánh xung đột và chia rẻ hay không?
• Số tín hữu không theo kịp sự thay đổi, có bị rớt lại và mất đi sự hiệp thông với hội thánh hay không?
- Có phải bạn muốn thay đổi chỉ vì sự thay đổi sẽ khẳng định hiểu biết và khả năng của bạn? Có phải sự thay đổi sẽ đem lại quyền lợi hay địa vị cho bạn?
Dù bạn có rất chắc chắn quan điểm của mình là đúng và bạn rất thiết tha cả hội thánh cùng đi với bạn. Nhưng bạn phải ưu tiên cho việc “Cố gắng duy trì sự hiệp nhất của Thánh Linh bằng sợi dây hòa bình.” (Ê-phê-sô 4:3.) Phải hết sức khiêm nhu, mềm mại và nhẫn nhục, hãy chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương.” Vì “Thà một miếng bánh khô mà hòa thuận, còn hơn là nhà đầy thịt tế lễ lại tranh cãi nhau. (Ê-phê-sô 4:2; Châm ngôn 17:1)
Comentarios