top of page
Ảnh của tác giảBầy Nhỏ

An - Xang - Hồng và Giáo lý Đức Chúa Trời Mẹ

HỎI: Có người bạn của con nói Đức Chúa Trời đã có Cha thì phải có Mẹ. Chú cho con hỏi là trong Kinh Thánh có dạy về Đức Chúa Trời Mẹ không? Với lại chú giải thích dùm con chữ An Xang-hồng có nghĩa là gì vậy?

An Xang Hồng

ĐÁP: An Xang-hồng (Ahn Sahng-hong 1918-1985) là một lãnh tụ tôn giáo người Hàn Quốc, người sáng lập Hội Thánh của Đức Chúa Trời Làm Nhân Chứng Cho Chúa Giê-xu.

An Xang-hồng sinh 13-01-1918 tại Gyenam-myeon, Quận Jangsu, tỉnh Bắc Jeolla, Triều Tiên thuộc Nhật trong gia đình theo đạo Phật. Năm 1947 ông gia nhập Hội Thánh Cơ-đốc Phục Lâm ở Incheon và nhận báp-têm năm 1948. Ngày 5-04-1958, ông kết hôn với bà Hwang Wonsun (1923-2008), và có ba con.

Năm 1956, ông tuyên bố Chúa Giê-xu sẽ tái lâm trong vòng 10 năm. Tháng 3 năm 1962, ông bị hội thánh Cơ-đốc Phục Lâm dứt phép thông công vì quan điểm của ông xem việc lấy thập tự giá làm biểu tượng trong hội thánh là phạm tội thờ thần tượng. Hai mươi ba người đã bỏ giáo hội đi theo An Xang-hồng. Hai năm sau, 28-04-1964, ông thành lập Hội Thánh của Đức Chúa Trời Làm Chứng Cho Chúa Giê-xu tại Busan. Trước khi ông qua đời năm 1985, hội thánh này phát triển thành 13 chi hội ở Hàn Quốc.

An Xang-hồng tuyên bố truyền thống Hội Thánh tiên khởi thời các sứ đồ đã bị bóp méo. Ông đã phục hồi lại giáo lý và sự thực hành bao gồm bảy điều sau đây:

  1. Phụ nữ phải trùm đầu trong khi cầu nguyện.

  2. Báp-têm là bước đầu tiên để được cứu rỗi.

  3. Phải giữ ngày Sa-bát vào thứ bảy hằng tuần, chứ không phải ngày Chúa Nhật.

  4. Không được giữ lễ Giáng Sinh vì đó là lễ của thần mặt trời.

  5. Thập tự giá là một loại thần tượng.

  6. Phải giữ Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men.

  7. Các lễ khác trong Lê-vi ký 23: Lễ Hoa Quả Đầu Mùa, Lễ Bảy Tuần, Lễ Thổi Loa, Lễ Chuộc Tội, Lễ Lều Tạm cũng phải được giữ, theo Giao Ước Mới của Chúa Giê-xu.

An Xang-hồng giảng dạy nhiều về Mạt thế luận (giáo lý về tận thế). Theo truyền thống của Cơ-đốc Phục Lâm, vào năm 1956, ông tuyên bố Chúa Giê-xu sẽ tái lâm trong vòng 10 năm tới. Trong một sách in năm 1980, ông giải thích Ma-thi-ơ 24:32-34, cho rằng sẽ tận thế vào năm 1988, đúng 40 năm sau sự độc lập của nước Israel hiện đại. Cùng năm này, ông lại viết trong một sách khác rằng thế giới sẽ đến ngày tận cùng vào năm 2012.

Năm 1978, một nhóm tín đồ tập họp quanh Um Sooin (sinh 1941), một thành viên nữ. Họ ấn hành một tài liệu công bố Um Sooin là Đức Chúa Trời Mẹ, còn An Xang-hồng là Đấng Krixt. An Xang-hồng xuất bản một sách (xuất bản năm 1980, tái bản năm 1983) dành cho vấn đề này, trong đó ông chỉ trích Um Sooin và không công nhận bà là Đức Chúa Trời Mẹ. Nhưng trong một bài giảng vào Lễ Vượt Qua năm 1984, An đã giới thiệu lại khái niệm Đức Chúa Trời Mẹ, và Jang Gil-ja, một phụ nữ 41 tuổi (sinh năm 1943) được xem là hiện thân của Mẹ.

Jang Gil Ja

Trong một bữa ăn trưa ngày 24 tháng 02 năm 1985, An Xang-hồng bị lên cơn đau tim và bị đột quỵ trên đường đến bệnh viện. Ngày hôm sau, ông qua đời tại Busan, Hàn Quốc, thọ 67 tuổi.Sự chết của An Xang-hồng dẫn đến cuộc tranh chấp quyền lực trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời Làm Chứng Cho Chúa Giê-xu. Chỉ hơn một tuần sau, vào ngày 4 tháng 3 năm 1985, sau một cuộc họp hòa giải bất thành, hội thánh chia làm hai phái:

  1. Hội Thánh Lễ Vượt Qua Tân Ước của Đức Chúa Trời: Phái này giữ lại các cơ sở hội thánh tại Busan. Vợ và ba con của An Xang-hồng theo phái này. Con trai của An Xang-hồng là Ahn Kwang-sup (sinh 1954) là một trưởng lão trong hội thánh. Một quan sát viên độc lập nhận định rằng sự thờ phượng của Hội Thánh Tân Ước không khác lắm với các giáo hội Cơ-đốc chính thống (gồm Công Giáo, Chính Thống Giáo và đa số các hệ phái Tin Lành). Tín hữu cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Giê-xu Krixt, học thuộc bài Cầu Nguyện Chung và hát Thánh Ca truyền thống.

  2. Hội Thánh Đức Chúa Trời Các Nhân Chứng của Đấng An Xang-hồng: Trong nhóm này có Kim Joo-cheol và Jang Gil-ja (hiện thân Đức Chúa Trời mẹ). Họ chuyển từ Busan đến Seoul 22-3-1985; Thành lập Hội Thánh Đức Chúa Trời Các Nhân Chứng của Đấng An Xang-hồng 02-6-1985. Tín lý của giáo hội có thêm hai giáo lý chính:

    • An Xang-hồng được công nhận là Chúa Giê-xu Krixt, là Đấng đã đến và được tôn là Đấng Krixt An Xang-hồng. Vậy nên, ông cũng là Đức Chúa Trời như Đức Cha và Đức Thánh Linh. Tín đồ cầu nguyện nhân danh Đấng Krixt An Xang-hồng thay cho Chúa Giê-xu Krixt.

    • Jang Gil-ja được công nhận là Đức Chúa Trời Mẹ. Cũng là Đức Chúa Trời như An Xang-hồng.

Do hai tín lý này, Hội Thánh Các Nhân Chứng của Đấng An Xang-hồng bị Hội Đồng Quốc Gia các Hội Thánh Hàn Quốc kết án là một giáo phái tà giáo đa thần, sùng bái mang tính chất báng bổ.

Một việc khác cũng ảnh hưởng nhiều đến uy tín của Hội Thánh An Xang-hồng là việc chờ đợi Đấng An Xang-hồng tái lâm vào năm 1988. Trong năm này, hàng ngàn thành viên hội thánh An Xang-hồng tụ tập trên núi Sojeong-myeon để chào đón Đấng An Xang-hồng trở lại. Nhưng không có gì xãy ra cả nên họ đã thông báo Đấng An Xang-hồng sẽ đến vào dịp khai mạc Olympics Seoul cuối năm 1988. Dầu vậy, cho đến năm 1996, Hội Thánh An Xang-hồng lập được 107 hội thánh với 100.000 tín đồ tại Hàn Quốc.

Năm 1997, Hội Thánh An Xang-hồng thành lập tổ chức Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới. Thống kê đến 2010, họ đã lập được trên 300 chi hội ở Hàn Quốc; trên 100 hội nhánh ở nước ngoài, số tín đồ trên 1 triệu người; gửi 427 đoàn truyền giáo ra nước ngoài và được tặng thưởng nhiều giải thưởng danh giá do các hoạt động từ thiện. Hiện nay, họ có mặt tại 175 quốc gia trên thế giới.

Vài năm gần đây, Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới hoạt động mạnh tại Việt Nam, truyền bá đạo An Xang-hồng kèm theo các hoạt động từ thiện. Tôi không có thông tin gì về giáo hội An Xang-hồng tại Việt Nam, nhưng tôi biết có nhiều tín đồ của giáo hội An Xang-hồng đi vào tận các làng trong tỉnh Gia Lai để giảng đạo và làm cho rất nhiều tín hữu của các hệ phái khác hoang mang bối rối. Vì vậy, xin chia sẻ với anh chị em vài suy nghĩ về An Xang Hồng và về giáo lý Đức Chúa Trời Mẹ trong cái nhìn của một Cơ-đốc nhân truyền thống.

- Hội Thánh Đức Chúa Trời Các Nhân Chứng của Đấng An Xang-hồng có một số tín lý có tính chất cực đoan: Như là việc phụ nữ phải trùm khăn khi cầu nguyện; loại bỏ biểu tượng thập tự giá vì xem đó là tội thờ thần tượng; không giữ lễ Giáng Sinh vì đó là lễ của Thần Mặt Trời. Những điều này nếu giữ theo hay không thì cũng chẳng hại gì. Nhưng khi biến thành giáo điều hay luật buộc thì trở nên “gánh nặng khó mang”. (Lu-ca 11:46). Những gánh nặng này không giúp gây dựng cho tín hữu tăng trưởng tâm linh mà còn gây chia rẽ trong nội bộ hội thánh.

- Một số giáo lý khác có tính chất quay lùi trở lại thời Cựu Ước, như: Giữ Lễ Sa-bát vào ngày thứ bảy hàng tuần; Giữ Lễ Vượt Qua và các lễ khác của Do-thái giáo Cựu Ước. Việc buộc Cơ-đốc nhân tuân giữ một số luật lệ Cựu Ước là nan đề của hội thánh từ xưa đến nay. Các sứ đồ xưa phải đấu tranh với các Cơ-đốc nhân gốc Do-thái giáo, và các nhà cải chánh cũng phải đấu tranh với các nhà thần học của giáo hội về cùng một vấn đề. Ga-la-ti 3:1-14; 5:1-6 đã dạy Cơ-đốc nhân đã vui hưởng ân điển trong Chúa Giê-xu thì không nên đặt mình dưới ách nô lệ cho luật pháp một lần nữa. Làm thế thì “đã lìa khỏi Đấng Krixt, đánh mất ân điển rồi.” Bởi vì tuy luật pháp là tốt, nhưng khi đã tuân giữ luật pháp thì phải “tuân giữ toàn bộ”. Mà không có người nào có thể tuân giữ luật pháp trọn vẹn được, cho nên hễ đã đề ra luật lệ thì chắc chắn sẽ “bị rủa sả”. Những giáo lý loại này cản trở sự gây dựng đức tin, giam giữ tín đồ trong tình trạng ấu trĩ thuộc linh, có thể gây chia rẽ Hội Thánh, và nếu Hội Thánh vẫn phát triển thì sẽ phát triển thành một tôn giáo mang tính chất thế tục.

- Một số giáo lý khiến cho Hội Thánh Đức Chúa Trời Các Nhân Chứng của Đấng An Xang-hồng bị cộng đồng Cơ-đốc giáo xem là một tà giáo thuộc loại tệ hại nhất hiện nay. Các giáo lý này được xây dựng chỉ dựa trên một vài câu Kinh Thánh, bất chấp các nguyên tắc căn bản rất quan trọng của sự giải nghĩa Kinh Thánh và loại bỏ sự dạy dỗ của toàn bộ Kinh Thánh.

• Báp-têm là điều kiện tiên quyết để được cứu: Dầu cũng có một số giáo hội Cơ-đốc tin rằng Báp-têm là công cụ đem lại sự cứu rỗi hoặc là bước hoàn thành sự cứu rỗi. Nhưng các giáo phái Tin Lành chính thống, trong đó có Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tin rằng sự cứu rỗi duy chỉ nhờ ân điển và bởi đức tin mà thôi (Ê-phê-sô 2:8). Phép báp-têm là hành động bên ngoài nhằm xác quyết và tuyên xưng đức tin chứ không phải là điều kiện để được cứu.

• Các lời tiên tri xác định thời điểm Chúa Giê-xu tái lâm: Trong suốt lịch sử Cơ-đốc giáo cũng có rất nhiều người tự xưng là tiên tri và đã đưa ra các cách giải nghĩa Kinh Thánh, kết hợp với các biến cố lịch sử đương thời để xác định thời điểm Chúa Giê-xu tái lâm. Thật đáng ngạc nhiên là họ đã không đếm xỉa gì tới lời Chúa Giê-xu dạy trong Ma-thi-ơ 24:36-44; Mác 13:32-37, rằng Ngài sẽ trở lại hoàn toàn bất ngờ, không có ai, kể cả chính Chúa Giê-xu có thể biết được thời điểm Chúa Giê-xu tái lâm!

• An Xang-hồng là Đấng Krixt, cũng chính là Đức Chúa Trời: Tuyên bố này đụng đến giáo lý về Đức Chúa Trời Duy Nhất Chân Thần và giáo lý Đức Chúa Trời Tam Vị Nhất Thể, là những giáo lý trọng yếu và thiêng liêng nhất của Kinh Thánh. Chính Chúa Giê-xu dạy: “Khi ấy, dầu có ai bảo các ngươi rằng: Kìa, Đấng Christ ở đây, hay là: Ngài ở đó, thì chớ tin. Những christ giả, tiên tri giả sẽ nổi lên, làm những dấu lạ phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng dỗ dành chính những người được chọn. Hãy giữ lấy, ta đã nói trước cho các ngươi cả.” (Mác 13:21-23.) An Xang-hồng được xếp thứ 5 trong số 10 Đấng Krixt tự xưng nổi tiếng nhất thế giới trong thời gian gần đây, và là người tự xưng là Đấng Krixt có số tín đồ đông nhất.

• Giáo lý Đức Chúa Trời Mẹ: Jang Gil-ja được công nhận là Đức Chúa Trời Mẹ. Cũng là Đức Chúa Trời như An Xang-hồng! Có lẽ đây là giáo lý gây sốc nhất của Hội Thánh Đức Chúa Trời Các Nhân Chứng của Đấng An Xang-hồng! Trong Kinh Thánh không hề có từ ngữ hay là khái niệm Đức Chúa Trời Mẹ. Giáo hội An Xang-hồng chỉ dựa vào một vài câu Kinh Thánh, mà ý nghĩa thì đã được hội thánh xưa nay hiểu theo một nghĩa rõ ràng:

§ Ga-la-ti 4:26“Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.” Câu duy nhất có chữ Mẹ mà giáo hội An Xang-hồng dựa vào. Theo nghĩa mạch văn và phù hợp với toàn bộ Kinh Thánh thì chữ Mẹ ở đây là hình thức nhân cách hóa thành Giê-ru-sa-lem, và cư dân của thành ấy là con cái. Thành Giê-ru-sa-lem trên đất là ví dụ về giáo hội Do-thái giáo mà dân Do-thái là con cái; và Thành Giê-ru-sa-lem trên cao là ví dụ về Hội Thánh Phổ Thông của Chúa Giê-xu, mà các Cơ-đốc nhân là con cái.

§ Khải huyền 19:7; 21:9-10 – Các câu này nói đến ‘Vợ của Chiên Con’. Theo mạch văn và toàn bộ Kinh Thánh thì Vợ Chiên Con chính là Hội Thánh Phổ Thông của Chúa Giê-xu, phù hợp với Ga-la-ti 4:26.

Việc xem bà Jang Gil-ja là Đức Chúa Trời Mẹ, là vợ của Đấng Krixt An Sang-hồng, cùng là Đức Chúa Trời như Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh, đã khiến Hội Thánh Đức Chúa Trời Các Nhân Chứng của Đấng An Xang-hồng bị toàn bộ các giáo hội Cơ-đốc giáo xem là tà giáo báng bổ, tệ hại nhất.

- Sự phát triển nhanh chóng của giáo hội này là điều đáng lưu tâm. Dầu là một nhóm tà giáo của Cơ-đốc giáo, phát xuất tại một quốc gia có nền văn hóa không phải trên nền Cơ-đốc giáo, nhưng Tà thuyết An Xang-hồng đã phát triển rất nhanh. Nếu chỉ tính từ năm thành lập Hội Thánh Đức Chúa Trời Các Nhân Chứng của Đấng An Xang-hồng (1985) thì chỉ trong khoảng 30 năm với chỉ một người lãnh đạo (Ông Kim Joo-cheol), giáo hội này đã có đến trên 400 chi hội tại Hàn Quốc, hàng triệu tín đồ và đã truyền giáo và lập hội đến 175 quốc gia trên thế giới! (Hãy thử so sánh với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam xem!) Vì không có nhiều tài liệu và chưa được tiếp xúc với thành viên của giáo hội An Xang-hồng, nên ở đây chỉ đưa ra một số ý mang tính phỏng đoán, để anh chị em tham khảo:

• Tín đồ giáo phái này tin quyết rằng Đấng Krixt An Xang-hồng sắp trở lại. Do tín đồ không bị cuốn hút vào danh lợi của xã hội, nên giáo hội đã tập trung được nguồn nhân lực và tài lực rất lớn để truyền bá đạo.

• Họ tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, internet. Riêng Việt Ngữ cũng có nhiều hơn một trang mạng chính thức phổ biến giáo lý An Xang-hồng.

• Họ kết hợp giảng đạo với làm từ thiện. Họ dùng các hoạt động từ thiện để tìm chỗ đứng và tạo ảnh hưởng trong xã hội.

• Họ kích thích và khai thác lòng sùng kính và lý tưởng trong tín đồ. Những tín đồ Hàn Quốc kết hợp lòng yêu nước với lòng sùng đạo đã trở nên lực lượng tiên phong rất mạnh. Lý tưởng, dù là sai trật cũng vẫn tìm được sự tận tụy và trung thành, dễ hơn là kỉ luật hay quyền lợi.

- Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép một giáo phái như thế hoạt động và phát triển? Chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa Giê-xu gần tái lâm, và trong thời kỳ sau rốt này, chúng ta cần tỉnh thức, đề phòng các Đấng Krixt giả, tiên tri giả và giáo sự giả.

• Con cái Chúa cần phải chuyên tâm học hỏi Kinh Thánh, tăng trưởng trong ân điển và trong sự thông biết Chúa (2Phi-e-rơ 3:18). Sao cho “tất cả chúng ta đều đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, để trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ. 14 Như vậy, chúng ta sẽ không còn là trẻ con, bị dồi dập và cuốn theo luồng gió học thuyết, bởi sự xảo quyệt của con người và những mánh khóe lừa dối của họ.” (Ê-phê-sô 4:13-14.)

• Đừng để niềm tự hào về truyền thống, tổ chức và tính chính thống của giáo hội ru ngũ chúng ta. Chúa đã gần rồi! (Phi-líp 4:5.) Chúng ta nên quăng bỏ những gánh nặng danh vọng, quyền lợi, dứt bỏ những rào cản của xác thịt yếu đuối (Hê-bơ-rơ 12:1-3.), Một lòng yêu Chúa (1Giăng 2:15.) đoàn kết trong tình huynh đệ (Giăng 13:35), dồn hết tâm sức làm nhân chứng cho Chúa Giê-xu bằng đời sống và rao truyền Tin Lành bằng mọi phương tiện có được, để sẵn sàng đón rước Chúa Giê-xu của chúng ta (chứ không phải là Đấng Krixt An Xang-hồng, hay một Krixt giả mạo nào đó!) hiện đến.

Comments


bottom of page